Chữ ký số chuyên dùng: Thúc đẩy cải cách hành chính, hướng tới chính quyền điện tử
Nhiều tiện ích
Mỗi ngày, Văn phòng HĐND - UBND TP Bắc Giang tiếp nhận và phát hành hàng trăm văn bản các loại. Nếu theo cách truyền thống như trước kia, việc xử lý văn bản mất nhiều thời gian, công sức qua các bước như: In tài liệu, trình lãnh đạo ký, lấy số văn bản, scan và đính tài liệu lên hệ thống để phát hành. Tuy nhiên, từ khi áp dụng chữ ký số, những công đoạn này đã được giảm đáng kể. Với chứng thư số được cấp và cài đặt trên máy vi tính cá nhân, lãnh đạo chỉ cần đăng nhập vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, thao tác là hoàn thành việc ký số.
![]() |
Cán bộ văn thư Văn phòng HĐND-UBND TP Bắc Giang sử dụng chứng thư số của cơ quan để ký số văn bản điện tử. |
Ông Ngô Thành Giang, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND TP Bắc Giang cho biết: Hiện nay, trừ những văn bản mật, hầu hết văn bản đều được giải quyết trên môi trường mạng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại của cán bộ chuyên môn và kinh phí cho việc in ấn, giấy mực. Đồng thời thay đổi tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ từ trực tiếp sang giải quyết công việc trên môi trường mạng; góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Chỉ riêng tháng 10/2020, Văn phòng HĐND - UBND TP đã phát hành 1.059 văn bản bản sử dụng chữ ký số qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc (đạt tỷ lệ 100%).
Bắc Giang bắt đầu triển khai ký số văn bản điện tử tại các sở, ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh từ năm 2015. Qua thời gian thực hiện cho thấy nhiều tiện ích như: Giảm thiểu tối đa thời gian gửi nhận văn bản, chuyển tài liệu; việc ký các văn bản tiện lợi, nhanh chóng và là nền tảng để giải quyết thủ tục hành chính mức độ 4. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, khi áp dụng sẽ tiết kiệm hàng tỷ đồng ngân sách mỗi năm.
Tỷ lệ gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy giữa các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh đạt hơn 98% (trừ văn bản mật và các văn bản bắt buộc phải phát hành bản giấy theo quy định). |
Nhằm nâng cao tính năng sử dụng, tháng 10/2019, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ), Trung tâm VNPT Bắc Giang phối hợp cấp 156 sim PKI và thực hiện thủ tục hòa mạng cho các thuê bao phục vụ việc ký số trên các thiết bị di động (Ipad, điện thoại thông minh) cho lãnh đạo các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và lãnh đạo các huyện, TP. Cùng đó, Sở đã xây dựng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trên hệ điều hành ISO, Android để dễ dàng sử dụng trên điện thoại di động.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: “Ứng dụng ký số được kích hoạt ngay trên điện thoại di động cùng với app phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc nên rất thuận lợi cho tôi trong phê duyệt hồ sơ, văn bản dù ở bất cứ đâu. Trước đây khi đi họp hoặc công tác, anh em phải chờ để xử lý thì nay công việc dễ dàng được giải quyết mà không mất nhiều thời gian”. Tỷ lệ văn bản ký số của Sở đạt hơn 99,3%”.
Nâng cao trách nhiệm, tăng cường tập huấn
Theo bà Trần Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông), hiện nay 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã sử dụng chữ ký số trong giải quyết công việc. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp hơn 5,7 nghìn chứng thư số; trong đó cấp 4.028 chứng thư số cho cá nhân, 1.676 chứng thư số cho tổ chức. Việc theo dõi, quản lý chữ ký số được thực hiện thường xuyên, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cá nhân, tổ chức; bảo đảm an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử.
![]() |
Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa xã Hồng Thái (Việt Yên). |
Thực tế nơi nào người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và gương mẫu thực hiện thì kết quả phát hành văn bản điện tử đạt cao. Còn nhớ, đầu tháng 4/2020, huyện Việt Yên chỉ xếp vị trí thứ 6/10 huyện, TP về tỷ lệ ký số. Đến nay địa phương đã vươn lên vị trí thứ 2 với tỷ lệ ký số của lãnh đạo UBND là 98,95; UBND cấp xã và phòng ban là 95,4%.
Ông Trần Đỗ Thảo, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: “Mới đây huyện tổ chức đợt kiểm tra kỹ năng sử dụng chữ ký số, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp với gần 400 cán bộ và có chấm điểm. Qua đánh giá, cơ bản cán bộ, lãnh đạo cấp phòng, UBND đã thuần thục các thao tác, nhất là kỹ năng sử dụng chữ ký số cá nhân và chứng thư số của cơ quan, tổ chức trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Kết quả sẽ được thông báo rộng rãi và là một trong những tiêu chí đánh giá cuối năm đối với người đứng đầu.
Mới đây các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, TP Bắc Giang tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm chữ ký số cho hàng trăm cán bộ là thủ trưởng, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ gửi, nhận văn bản của cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND, công chức Văn phòng - Thống kê của các xã, phường, thị trấn.
Việc ký số đòi hỏi hạ tầng thông tin đủ, mạng tốt. Tuy nhiên theo phản ánh của một số cán bộ, phần mềm nhiều khi còn chậm. Việc ký số chỉ thực hiện đơn lẻ theo từng văn bản, không chọn ký liên tục với nhiều giấy tờ, nhất là văn bản liên quan đến phê duyệt trúng đấu giá sử dụng đất; chính sách với các đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng...
Để nâng cao hiệu quả sử dụng chữ ký số, theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị tiếp tục rà soát, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế sử dụng chứng thư số phù hợp quy định của pháp luật. Hằng tháng thống kê, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh số lượng văn bản lãnh đạo ký số trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phù hợp. Đặc biệt từ nay đến cuối năm, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông của Sở sẽ tổ chức thêm 6 lớp tập huấn cho khoảng 300 học viên về phần mềm ký số.
Ý kiến bạn đọc (0)