Ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền điện tử
Xu thế phát triển tất yếu
Phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu của quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay. Trước xu thế đó và những định hướng của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này, tỉnh Bắc Giang xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền điện tử là ứng dụng CNTT, đưa tất cả hoạt động của chính quyền lên môi trường số; sử dụng công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tạo ra các giá trị mới, từ đó thay đổi thói quen, cách thức sản xuất làm việc và điều hành quản trị, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
![]() |
Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng tại Sở Thông tin và Truyền thông. |
Hạ tầng kỹ thuật CNTT được chú trọng đầu tư, có nhiều cải thiện. Ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) trong hoạt động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân được tăng cường, ngày càng đồng bộ và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nhân lực CNTT tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. CNTT đã trở thành công cụ không thể thiếu trong hoạt động của các cấp, ngành, các địa phương; góp phần quan trọng đổi mới lề lối, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, phục vụ của các cấp chính quyền; là nền tảng để tăng năng suất lao động và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công.
Đặc biệt, đứng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TU phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, với 3 nhiệm vụ chính: (1) Phát triển kết cấu hạ tầng CNTT; (2) Xây dựng các hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT đồng bộ; (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Đây là giải pháp quan trọng của tỉnh để ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh còn những hạn chế, khó khăn như: Hạ tầng CNTT thiếu tính đồng bộ; Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh quy mô nhỏ, nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin cao; hệ thống giám sát, điều hành thông minh và trung tâm giám sát an toàn thông tin của tỉnh chưa được xây dựng. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt tỷ lệ thấp; giải pháp thanh toán số triển khai chậm; chất lượng nguồn nhân lực CNTT dù từng bước được nâng lên, nhưng còn hạn chế, nhất là ở cơ sở; kinh phí đầu tư cho phát triển CNTT còn khó khăn.
Đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống
Trước những yêu cầu nhiệm vụ đó, Sở TT&TT xác định một số giải pháp cơ bản về chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như sau:
Một là, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của T.Ư và ban hành chính sách của địa phương để tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số của tỉnh. Ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; chọn công nghệ là điểm đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới, nhất là công nghệ số, từ đó thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh và đưa mô hình công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống.
Hai là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 91-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh để xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh.
Ba là, xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng truyền thông để truyền dẫn, kết nối, triển khai, vận hành tốt hoạt động của chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đích đến là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tương tác với người dân nhiều hơn, triển khai chính quyền số từ cấp xã, phấn đấu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang internet, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Hoàn thiện hạ tầng 4G, chuẩn bị phát triển hạ tầng 5G tại các khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh nhằm đón các làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.
Bốn là, xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu tỉnh. Xây dựng các nền tảng dữ liệu, công nghệ mới để triển khai đô thị thông minh toàn diện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xây dựng kho dữ liệu mở (Open Data), kết nối dữ liệu của các cấp, các ngành tổ chức thành một kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, tận dụng tối đa công nghệ số để phát triển nền kinh tế số hội nhập và hiện đại; mở rộng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ở các lĩnh vực của đời sống KT-XH.
Năm là, rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực về con người và tài chính để đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển chính quyền điện tử. Chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Ban hành cơ chế khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để tham gia xây dựng, phát triển chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang, hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.
Ý kiến bạn đọc (0)