Chủ động phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS, xóa bỏ kỳ thị
Giảm tỷ lệ lây nhiễm
![]() |
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. |
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến tháng 11/2020, tỉnh Bắc Giang có 2.047 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó có 68% bệnh nhân đang được quản lý, điều trị. Bác sĩ Trần Văn Thanh, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 72 ca nhiễm mới. Tình hình nhiễm căn bệnh này trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. 3 năm gần đây, mỗi năm giảm từ 30-40 trường hợp.
Có được kết quả tích cực này là do những năm qua, công tác truyền thông của tỉnh Bắc Giang đã góp phần giảm thiểu sự kỳ thị đối với người mắc bệnh nhưng vẫn bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình xét nghiệm, theo dõi, quản lý. Việc điều trị được cải thiện, khống chế được tình trạng suy giảm miễn dịch ở người mắc, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhiều người bệnh không còn lo lộ danh tính, tự tin hòa nhập, tiếp tục lao động, sản xuất, trở thành tình nguyện viên tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% số người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng bệnh của mình. Đồng thời, có 12 cơ sở điều trị nghiện chất thay thế bằng Methadone đang điều trị cho 1.226 người nghiện ma túy là một trong các yếu tố góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Qua tổng hợp, tỉnh Bắc Giang có 5 cơ sở y tế triển khai khám, điều trị HIV/AIDS gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Lục Ngạn. Người có nhu cầu được tư vấn, xét nghiệm HIV có thể thực hiện nhanh bằng phương pháp lấy máu hoặc dịch miệng, sau 20 phút có kết quả.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Long, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế huyện Tân Yên), một trong các địa phương có số lượng bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh nói: Tại đây đang quản lý, điều trị theo phác đồ ARV (kháng virus) cho 143 bệnh nhân. Trong số này có 90% bệnh nhân đã kiểm soát được tải lượng vi-rút HIV trong máu về mức thấp hơn ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu), không có khả năng lây truyền sang người khác qua quan hệ tình dục.
Bệnh nhân Nguyễn.T.B, ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) chia sẻ: “Biết mình mắc bệnh đã gần 10 năm, thời gian đầu tôi rất hoang mang lo lắng. Được bác sĩ tư vấn, tôi tuân thủ nghiêm chỉ định nên sức khỏe khá ổn định, hiện chưa mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội”.
Được biết, điều trị kháng vi-rút bằng ARV làm kiềm chế sự nhân lên của vi-rút HIV giúp người nhiễm tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài, thậm chí có thể sinh con. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có từ 5-8 phụ nữ nhiễm HIV mang thai được điều trị dự phòng sinh ra những em bé khỏe mạnh, không bị lây bệnh từ mẹ.
Chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030
HiệnViệt Nam là một trong 4 quốc gia (cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ) có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới. Trong đó, tỉnh Bắc Giang được Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá là dẫn đầu cả nước về công tác kiểm soát giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Tỷ lệ này ở tỉnh đang được khống chế ở mức 0,1% (toàn quốc là 0,3%) và đạt mục tiêu 3 giảm: Giảm ca nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm trường hợp tử vong.
Đến tháng 11/2020, Bắc Giang còn 2.047 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó có 68% bệnh nhân đang được quản lý, điều trị. Tình hình nhiễm căn bệnh này trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. 3 năm gần đây, mỗi năm giảm từ 30-40 trường hợp. |
Theo đánh giá của Sở Y tế, mặc dù số ca nhiễm HIV có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định và từ chủ yếu lây truyền qua đường máu (tiêm chích ma túy) sang quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt đã xuất hiện trong nhóm quan hệ đồng giới. Điều lo ngại là xuất hiện nhóm người cùng nhau sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ.
Trong khi đó, khó tiếp cận đối tượng có nguy cơ lây nhiễm bởi người đồng giới ít trải lòng, ngần ngại giấu giới tính thật. Thêm vào đó, tỷ lệ dân số biến động, di chuyển đến các khu, cụm công nghiệp làm việc, khó tránh khỏi các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội như: Mại dâm, tiêm chích ma túy...
Trước đây, người bệnh được tài trợ miễn phí thuốc, chi phí khám, xét nghiệm, điều trị bệnh thì hai năm trở lại đây phải tự chi trả. Mặc dù Việt Nam đã đưa điều trị HIV vào danh mục chi trả BHYT nhưng nhiều người không mua BHYT do đó khó duy trì sức khỏe ổn định trong những năm tiếp theo. Còn tình trạng trẻ em bị nhiễm bệnh từ bố mẹ, sau khi bố mẹ qua đời phải vào sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Mặc dù được các cấp, ngành quan tâm, chăm sóc nhưng các em vẫn tự ti, mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh Bắc Giang đang tập trung triển khai nhiều giải pháp tổng thể nhằm thực hiện chiến lược chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030. Ông Lâm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm mới, đơn vị tham mưu cho ngành y tế tỉnh đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại như: Cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), tăng cường truyền thông về nguy hại của căn bệnh. Tuyên truyền giúp người bệnh thấy được lợi ích khi tham gia BHYT để được duy trì điều trị kháng virus và bệnh nhiễm trùng cơ hội trong bối cảnh cắt giảm nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế dành cho người nhiễm HIV trên toàn cầu”.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết đúng về căn bệnh, từ đó có thái độ ứng xử phù hợp với người nhiễm, đồng thời biết cách bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)