Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Vẹn tròn việc nước, việc nhà
Ứng dụng công nghệ số trong thực hiện nhiệm vụ
![]() |
Trung úy Nguyễn Thị Hồng Nhung. |
Trung úy Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1996), cán bộ Công an xã Tân Thanh (Lạng Giang) là một trong 5 nữ cán bộ công an xã đạt nhiều thành tích về chuyên môn, hoạt động phong trào được Giám đốc Công an tỉnh biểu dương năm 2023. Hồng Nhung tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I năm 2018 và về Công an huyện Lạng Giang công tác.
Tháng 9/2020, Trung uý Nhung được điều động tới Công an xã Tân Thanh (Lạng Giang) nhận nhiệm vụ triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" và giải quyết một số thủ tục hành chính về quản lý cư trú, đăng ký phương tiện.
Trong đợt cao điểm triển khai kích hoạt tài khoản định danh điện tử, chị không quản ngày nghỉ, ngày lễ về các khu dân cư từ sáng sớm đến tối muộn, thậm chí làm “xuyên đêm” để kịp tiến độ đề ra. Năm 2023, Trung úy Nhung cùng đồng nghiệp thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh cho gần 9,8 nghìn công dân đủ điều kiện; cập nhật, chỉnh sửa hơn 4 nghìn thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Qua đó góp phần đưa Tân Thanh trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện hoàn thành kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân. Triển khai công tác đăng ký phương tiện, Trung úy Nhung thường xuyên cập nhật các văn bản mới, kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn, số hóa hồ sơ. Đồng thời hướng dẫn 100% công dân đăng ký xe tại Công an xã qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
![]() |
Trung úy Nguyễn Thị Hồng Nhung (thứ hai từ phải sang trái) nhận chứng nhận "Nữ công an xã tiêu biểu trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ sở và phong trào phụ nữ Công an tỉnh". |
Chị còn tích cực tham mưu với lãnh đạo Công an xã xây dựng trang Zalo, Facebook “Công an xã Tân Thanh và Nhân dân”, thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi. Công việc bận rộn song chị đã cố gắng cân đối thời gian dành cho gia đình, chăm sóc người thân. Vì vậy, nữ cán bộ công an xã luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình.
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, Trung úy Nguyễn Thị Hồng Nhung còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, thể thao của lực lượng và đạt nhiều thành tích như: Giải Khuyến khích Hội thi “Phụ nữ Công an Bắc Giang khắc ghi lời Bác”; giải Nhì cuộc thi Cảnh sát khu vực giỏi Công an tỉnh và giành nhiều giải thể thao của ngành, được đồng đội tin yêu, quý mến.
Cô giáo vùng cao miệt mài gieo chữ
![]() |
Cô giáo Hoàng Thị Thọ. |
Tại một số địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, với lòng yêu nghề, mến trẻ, nhiều cô giáo bám làng, bám bản không ngại gian nan để ươm những mầm xanh trên mảnh đất còn nhiều gian khó.
Điển hình như cô giáo Hoàng Thị Thọ (SN 1991), giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn II (Sơn Động). Gần 10 năm giảng dạy là chừng ấy năm cô giáo trẻ gắn bó với các bản làng.
Những ngày đầu mới ra trường, cô Thọ về công tác tại Trường Tiểu học xã Sa Lý (Lục Ngạn). Nơi đây có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 50%; đường tới trường của trẻ chủ yếu là đường đất, băng qua suối nên học sinh đi học mỗi khi trời mưa rất lầy lội, trơn trượt, nguy hiểm. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê với nghề của cô luôn rực cháy.
Từ năm 2018 đến nay, cô Thọ giảng dạy ở Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn II (Sơn Động). Đây là ngôi trường liên cấp ở xã đặc biệt khó khăn, có chưa đến 100 học sinh. Trường nằm bên sườn đồi, gần sông, suối trong khi nhà học sinh ở sâu trong thôn, xóm, có những nhà cách trường gần 10 cây số.
![]() |
Cô giáo Hoàng Thị Thọ chăm sóc học sinh. |
Do đó, không chỉ học sinh ngại đi học mà ngay cả cha mẹ các em cũng chẳng mặn mà khi đưa con đến lớp. Nhiều người còn suy nghĩ “phải đi lên rừng kiếm cái ăn chứ học chữ không thể no bụng được”. Để thay đổi nhận thức của phụ huynh, cô Thọ đã học nói tiếng dân tộc thiểu số, tìm hiểu tập quán sinh hoạt của bà con. Cô còn tự trích một khoản thu nhập để mua đồ dùng học tập, động viên học sinh có kết quả học tập tốt.
Thầy giáo Nguyễn Duy Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn II cho biết: “Giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, cô Thọ nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Ban Giám hiệu tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ 1-2. Cô thường xuyên tham mưu với nhà trường tổ chức hoạt động tiết kiệm gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo, cùng các giáo viên vận động nhà hảo tâm chăm lo, giúp đỡ học sinh có môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn”. Nhiều năm qua, cô giáo Hoàng Thị Thọ được UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động, UBND xã Phúc Sơn khen thưởng.
Nữ trưởng thôn năng động
![]() |
Nữ trưởng thôn Nguyễn Thị Loan. |
Về thôn Yên Cư, xã Tân Sỏi (Yên Thế) hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi của một vùng quê đang trên đà phát triển. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của nữ trưởng thôn Nguyễn Thị Loan (SN 1981), người công giáo. Thôn Yên Cư có 203 hộ dân đều là đồng bào công giáo. Trước đây, đường vào thôn nhỏ hẹp, các thiết chế văn hóa còn hạn chế, chị cùng ban lãnh đạo thôn tích cực vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới.
Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng đường giao thông, nhà văn hoá thôn, chị Loan và đại diện các hội, đoàn thể đến từng hộ vận động. Để nêu gương, gia đình chị tiên phong đóng góp các khoản đối ứng xây dựng cao hơn mức quy định. Nhờ vậy, các khoản thu trong thôn nhanh chóng hoàn thành chỉ sau vài ngày thông báo. Từ sự đồng thuận của nhân dân, con đường đất nhỏ hẹp chỉ hơn 1 m năm xưa giờ được đổ bê tông rộng 2,5 m. Nhìn nhà văn hoá khang trang, rộng rãi vừa khánh thành cuối năm 2023, ai cũng phấn khởi vì có địa điểm tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Loan (ngoài cùng bên trái) cùng đại diện các đoàn thể thôn kiểm tra cơ sở vật chất nhà văn hóa. |
Trước khi làm trưởng thôn, chị Loan từng có 15 năm tham gia công tác phụ nữ. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, năm 2016, chị đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, CLB đã giúp đỡ gần 70 lượt hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn về sinh kế, cây, con giống để sản xuất, kinh doanh. Nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, năm 2022, chị Loan được bà con trong thôn tin tưởng bầu làm trưởng thôn.
Chị Loan chia sẻ: “Khi được bầu giữ chức vụ này, tôi băn khoăn vì mình ít kinh nghiệm hơn so với những người đi trước. Là phụ nữ nên ngoài công việc xã hội còn phải dành thời gian cho gia đình nên tôi cũng lo mình khó chu toàn mọi việc”. Tuy vậy, không phụ lòng bà con, nữ trưởng thôn luôn nỗ lực vì công việc chung, cùng với tập thể cấp ủy, Ban quản lý thôn hoàn thành nhiều công việc ở cơ sở. Hiện thôn còn 8 hộ nghèo, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, chị tích cực lao động sản xuất, cùng chồng phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy hai con trưởng thành.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)