Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Tạo động lực khởi nghiệp, thoát nghèo
Hiệu quả từ đồng vốn nhỏ
Trước kia, gia đình chị Giáp Thị Nết (SN 1979) ở thôn Tiến Sơn, Hợp Đức (Tân Yên) thuộc hộ nghèo. Chồng qua đời do tai nạn, mình chị nuôi hai con ăn học dựa vào mấy sào ruộng nên kinh tế khó khăn. Quyết tâm vươn lên thoát nghèo, năm 2015, chị mạnh dạn dồn đổi ruộng, vay vốn ngân hàng, quỹ hội và anh em họ hàng đào ao thả cá kết hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gia cầm.
![]() |
Hội LHPN xã Châu Minh (Hiệp Hòa) giúp gia đình chị Ngô Thị Hà ở thôn Ngọ Khổng thoát nghèo nhờ được vay vốn ưu đãi. Ảnh: MAI TOAN |
Cùng đó chị được tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, tham gia lớp phụ nữ khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế nên áp dụng hiệu quả vào sản xuất của gia đình. Mỗi năm, trừ chi phí, mô hình của gia đình chị cho thu nhập bình quân 70 - 100 triệu đồng/năm. Ba năm nay, kinh tế khấm khá, chị Nết có điều kiện tham gia hoạt động Hội và giúp đỡ chị em khác hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên. Chị Nết bộc bạch: “Từng gặp khó khăn và được mọi người giúp đỡ nên giờ đây tôi cũng muốn sẻ chia để các hội viên đều có cuộc sống ổn định”.
Năm 2020, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1981) ở thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) được Hội Phụ nữ và các ban ngành, đoàn thể xã, họ hàng, hàng xóm hỗ trợ xây nhà mới khang trang thay cho ngôi nhà xuống cấp và được bình xét thoát nghèo bền vững. Trước kia, vợ chồng chị đều ốm yếu, thường xuyên phải điều trị tốn kém trong khi thu nhập chủ yếu trông vào việc đan lát, trồng rau nên thiếu thốn đủ bề. Mong muốn nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn, anh chị động viên nhau cùng cố gắng vươn lên.
Được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đứng ra tín chấp để vay vốn ngân hàng và quỹ Hội không lấy lãi 60 triệu đồng, vợ chồng chị đầu tư mở rộng mô hình VAC, chuyển đổi ruộng sản xuất cây con giống. Chị Phượng còn được tạo điều kiện tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề do Hội phối hợp tổ chức nên nắm bắt và áp dụng hiệu quả vào mô hình của gia đình. Nhờ chăm chỉ làm ăn, dành dụm, kinh tế gia đình chị dần ổn định, có điều kiện chữa bệnh nên sức khỏe tốt hơn. Những lúc rảnh rỗi, anh đi làm phu hồ, chị ngoài đan lát, trồng trọt còn làm may gia công gần nhà nên có thêm thu nhập cải thiện đời sống.
Nhiều cách hỗ trợ
Theo bà Vũ Thị An, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế được các cấp hội tập trung thực hiện với nhiều giải pháp. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp hội đã nhận ủy thác, tín chấp với ngân hàng, quỹ của Tổ chức tài chính vi mô tình thương chi nhánh Bắc Giang (TYM), nguồn vốn “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế” được gần 3,3 nghìn tỷ đồng, giúp hơn 62 nghìn lượt phụ nữ vay phát triển kinh tế.
![]() |
Hội LHPN huyện Tân Yên hỗ trợ máy may cho hội viên hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CTV |
Ngoài ra, các cấp hội huy động được hơn 300 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm tại chi hội cho hơn 181 nghìn lượt hội viên vay đầu tư sản xuất, kinh doanh; phối hợp đào tạo, dạy nghề cho 29 nghìn lao động nữ đồng thời hỗ trợ gần 1,4 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công, vượt 169% chỉ tiêu đề ra.
Từ sự chỉ đạo, định hướng của Hội LHPN tỉnh, hằng năm, các hội cơ sở rà soát, thống kê danh sách hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, nguyên nhân nghèo để có kế hoạch giúp đỡ; chỉ đạo mỗi chi hội giúp ít nhất một hộ thoát nghèo, mỗi cơ sở hội giúp ít nhất một hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững. Qua đó, 100% hộ phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi.
Điển hình là Hội LHPN huyện Tân Yên duy trì các mô hình “Ống tiền tiết kiệm”, “Nuôi heo đất để hỗ trợ hội viên mua con giống”, “Tiết kiệm từ mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình tặng phương tiện sinh kế’’… Qua nắm bắt nguyện vọng của hội viên, các cấp hội đã giới thiệu việc làm cho gần 7,7 nghìn lao động nữ nông thôn. Chị Đỗ Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Hội chỉ đạo cơ sở thường xuyên rà soát trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời giúp đỡ. Trong đó, chú trọng tạo việc làm, tặng phương tiện sinh kế với phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá” để mỗi người được giúp đỡ phải chủ động, tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Các cơ sở hội trong toàn tỉnh đã triển khai phong trào “Trao phương tiện sinh kế giúp hội viên nghèo vượt khó” gắn với việc duy trì và phát triển hoạt động "Phụ nữ thực hành tiết kiệm, thu gom rác thải giúp phụ nữ, trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn". Các cấp hội sau khi lựa chọn được người cần giúp đỡ, hội viên thống nhất cách thức gây quỹ, dựa vào nguyện vọng của hội viên để tặng phương tiện sinh kế, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả như các loại máy may, làm mì, làm bún, chẻ nan tre, ép nước mía, xe máy, xe đạp, cây, con giống.
Từ nguồn quỹ này, Hội LHPN huyện Yên Thế đã hỗ trợ vốn sản xuất, tặng máy móc, bò nái, lợn giống cho phụ nữ nghèo chăn nuôi. Khi tặng bò nái, Hội yêu cầu hội viên đối ứng một phần nhỏ kinh phí, từ đó khích lệ tinh thần tự lực và nâng cao trách nhiệm chăm sóc con giống được tặng cũng như tăng số lượng các hộ nghèo được hỗ trợ.
Hằng năm, Hội LHPN huyện Lục Ngạn chỉ đạo cơ sở vận động hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được xây dựng, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia như: Chương trình sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trồng cây có múi như bưởi ngọt, cam ngọt, táo Đài Loan... Đồng thời đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Trong hai năm quá, khắc phục khó khăn do dịch Covid - 19, Hội LHPN huyện Lục Ngạn đã phối hợp làm đầu mối hỗ trợ tiêu thụ gần một nghìn tấn vải thiều.
Các phong trào, hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực đã phát huy tinh thần "tương thân tương ái", nghĩa cử cao đẹp và lòng nhân hậu trong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ để chị em ngày càng đoàn kết, giúp nhau thoát nghèo, tích cực đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)