Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc
Thấy đàn dê của người dân, nhóm này bắn chết hai con, cho xác vào cốp xe rồi chở về. Khi bị phát hiện, ba chiến sĩ phân bua rằng “bắn nhầm” nhưng qua điều tra, cơ quan chức năng xác định “bắn nhầm” chỉ là nói dối.
Ngay lập tức, Giám đốc Công an TP Hà Nội ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ba chiến sĩ trên gồm: Đại úy Nguyễn Văn Nh., Thượng úy Bùi Đình V. và Thượng úy Bùi Tiến T. Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản, tạm giữ ba người để tiếp tục điều tra. Giám đốc Công an TP còn chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy liên quan đến quản lý để cán bộ sai phạm.
Trước hết phải khẳng định việc bắn chết dê của người dân, rồi mang lên xe là hành động không thể chấp nhận được. Hơn ai hết, người chiến sĩ công an phải nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ công lý; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân; không được phép xâm hại tài sản của cá nhân, Nhà nước… dù chỉ là rất nhỏ. Đằng này lại trộm cắp tài sản của người dân, vi phạm pháp luật.
Không chỉ vụ việc nêu trên, ở một số ngành, địa phương thời gian qua, có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức… chấp hành chưa nghiêm túc các quy định về đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan, đơn vị, nơi công cộng cũng như nơi cư trú. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, vẫn còn một bộ phận bộc lộ yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân, tổ chức và đồng nghiệp, vẫn có những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước và hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó các nội dung của đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong nhiều văn bản pháp luật gây khó khăn nhất định cho việc triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ngay tại Bắc Giang, vẫn còn tình trạng công chức, viên chức có hành vi, lời nói chưa chuẩn chỉnh, gây khó khăn, bức xúc cho người dân. Cá biệt có cán bộ, đảng viên còn lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật.
Nhằm nâng cao đạo đức công vụ, phòng ngừa vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, công văn về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thực thi công vụ...
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập, tự soi, tự sửa để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Không ngừng đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc. Sâu sát cơ sở, tăng cường tiếp xúc với nhân dân, thực hành tốt phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)