Cảnh báo nguy cơ từ bệnh dại
Khó quản lý nguồn lây bệnh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 7.422 người bị động vật cắn đến các cơ sở y tế để điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng dại; có 1 người ở xã Biên Sơn (Lục Ngạn) tử vong do không tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại. Trong số người bị động vật cắn, nhiều nhất là huyện Lục Nam với 2.124 trường hợp, tiếp đó là huyện Lục Ngạn (1 nghìn người), Tân Yên (774 người)...
![]() |
Cán bộ Thú y xã Hồng Giang (Lục Ngạn) tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó của một gia đình ở thôn Thượng Phương Sơn. |
Xác định phải quản chặt nguồn lây bệnh dại, hàng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đều tăng cường tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Mỗi năm việc tiêm phòng được chia làm hai đợt: Xuân hè và thu đông. Năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân bổ hơn 175,6 nghìn liều vắc-xin phòng dại cho các địa phương, tăng gần 70 nghìn liều so với năm 2019. Tuy nhiên, theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 200 nghìn con chó, mèo nên số lượng vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin còn rất lớn.
Tìm hiểu tại huyện Lục Ngạn, ông Trịnh Văn Giang, cán bộ Thú y xã Hồng Giang cho biết, việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có 2,2 nghìn con chó và 800 con mèo, nhiều hộ nuôi từ 2 đến 3 con chó. “Do đặc thù vườn bãi rộng, chó thường được hộ dân thả rông để trông vườn nên rất dữ và khó bắt. Vì thế, sau hơn một tháng triển khai chúng tôi mới tiêm được 600 con. Đợt đầu năm nay toàn xã cũng chỉ tiêm được 500 con”, ông Giang cho hay.
Ông Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn chia sẻ, hiện có nhiều chủ nuôi không bỏ tiền ra đối ứng mua vắc-xin tiêm phòng dại (khoảng 7 nghìn đồng/liều, bằng 50% giá một liều vắc-xin) và thiếu nhân lực đi tiêm phòng. Bởi đội ngũ cán bộ thú y thôn, bản hiện đã bị xóa bỏ nên mỗi xã chỉ có 1 cán bộ thú y cơ sở đi tiêm. Trong khi đó, địa bàn Lục Ngạn rộng, đàn chó, mèo lại lớn với hơn 36,6 nghìn con.
Được biết, đây cũng là tình trạng chung ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những huyện có đồi bãi rộng như: Lục Nam, Yên Thế, Sơn Động… Vì thế, đến hết ngày 25/8, toàn tỉnh mới tiêm được hơn 129 nghìn liều vắc-xin phòng dại cho chó, mèo. Ngoài ra, lượng chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm ra đường còn rất nhiều, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, do vậy khó quản lý nguồn lây bệnh dại.
Tiêm vắc-xin khi bị vật nuôi cắn
Ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tất cả các trường hợp tử vong do chó, mèo cắn (hoặc các động vật khác) đều không được tiêm vắc-xin (hoặc huyết thanh) điều trị dự phòng phơi nhiễm. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Hoàng Thị Ngọc T (sinh năm 2017) ở thôn Xé, xã Biên Sơn (Lục Ngạn). Theo điều tra dịch tễ, ngày 21/2/2020, khi đang chơi ở nhà hàng xóm, T bị chó cắn vào vùng mặt, mí mắt phải và má phải. Khi bị chó cắn, T không nói với ai.
8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 7.422 người bị động vật cắn đến các cơ sở y tế để điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng dại, trong đó 1 người tử vong. |
Tối cùng ngày, mẹ T tắm cho con mới biết sự việc nhưng lại chủ quan cho rằng con chó cắn T không có biểu hiện bất thường. Đồng thời gia đình không đưa đi tiêm vắc-xin dẫn đến T bị tử vong. Trước khi tử vong, từ các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Lục Ngạn chẩn đoán T mắc bệnh dại. Ngoài ra còn có không ít trường hợp bệnh nhân tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian dẫn đến tử vong như trường hợp em Hoàng Đại T (sinh năm 2008), thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, cùng huyện Lục Ngạn (mất năm 2017).
Hai năm trở lại đây, mặc dù số người trong tỉnh bị chết vì bệnh dại đã giảm song thống kê cho thấy, nếu như năm 2016 toàn tỉnh có 8.112 người bị bị động vật cắn thì năm 2019 con số này lên tới 11.429 người. Những con số trên thực sự là lời cảnh báo về nguy cơ từ bệnh dại. Trước thực trạng này, cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, TP phối hợp thực hiện có hiệu quả trong việc đẩy lùi bệnh dại. Tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh; bố trí kinh phí hỗ trợ vắc-xin dại tiêm cho súc vật và tổ chức giám sát lưu hành mầm bệnh dại để cảnh báo cộng đồng. Rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo để lập hồ sơ theo dõi. Yêu cầu các hộ dân cam kết thực hiện kê khai số chó, mèo nuôi; chấp hành việc xích, nhốt và tiêm vắc-xin phòng dại. Khi chó, mèo ra đường, nơi công cộng phải được đeo rọ mõm; thành lập và có cơ chế cho các đội xử lý chó, mèo thả rông.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, TP và các sở, ngành nêu trên phối hợp giám sát dịch bệnh; tổ chức tập huấn, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người, đặc biệt là trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng dại bắt buộc cho đàn chó, mèo và không thả rông; vận động các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cào, cắn đi tiêm phòng đầy đủ.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)