Cần xây dựng luật về lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở và trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Tại điểm cầu Công an tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh và đồng chí Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng chủ trì. Dự có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Ở điểm cầu các huyện, TP và một số xã có đại diện lãnh đạo địa phương, ngành chức năng.
![]() |
Quang cảnh ở điểm cầu Công an tỉnh. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh trình sự cấp thiết khi xây dựng 2 dự án luật; kết quả khi hoàn thành bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã; sự hỗ trợ hiệu quả của lực lượng công an bán chuyên trách tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở.
Theo đó, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định cụ thể nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng này.
Ba năm qua, trước bối cảnh của đại dịch Covid-19, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã và đang thực hiện có hiệu quả, là lực lượng tuyến đầu cùng tham gia hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành bố trí công an chính quy tại các xã, thị trấn. Tuy nhiên, toàn quốc hiện còn hơn 89 nghìn công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Trước yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn cơ sở. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là rất cấp thiết.
Cùng đó, giao thông đường bộ là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với mọi quốc gia dưới cả góc độ kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trước năm 2001, các quy định về trật tự, ATGT; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau được điều chỉnh riêng biệt ở các văn bản dưới luật. Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật thay thế Luật Giao thông năm 2001 và tiếp tục điều chỉnh đồng thời cả 3 lĩnh vực.
Đến nay, việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Luật tuy đã có quy định về chính sách quy hoạch, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể.
![]() |
Đồng chí Phạm Văn Thịnh phát biểu tại hội thảo. |
Các ý kiến phát biểu đánh giá vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong công tác dân vận trên địa bàn tỉnh; thực trạng, sự cần thiết khi xây dựng dự luật và sự đóng góp của lực lượng ANTT cơ sở đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; thực trạng tình hình trật tự, giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng ANTT ở cơ sở; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng; vai trò của lực lượng công an xã bán chuyên trách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn xã hội thời gian qua.
Kết luận hội thảo, Đại tá Nguyễn Quốc Toản tiếp thu ý kiến tâm huyết của các đại biểu; khẳng định sự đóng góp sâu sắc, quý báu này đã phần nào làm rõ những vấn đề liên quan đến 2 dự án luật.
Công an tỉnh Bắc Giang tiếp thu những kiến nghị của các đại biểu, có văn bản báo cáo Bộ Công an nhằm đóng góp hiệu quả, sớm hoàn chỉnh 2 dự án luật để trình Quốc hội thảo luận, xem xét.
Tin, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)