Các nữ hòa giải viên: Vun đắp tình cảm gia đình, cộng đồng
![]() |
Chị Dương Thị Toán (thứ 2 từ trái sang) cùng các cán bộ cơ sở trao đổi về công tác hòa giải. |
Trước đây, chị T.T.V. ở thôn Toàn Mỹ, thị trấn Vôi (Lạng Giang) thường xuyên bị chồng bạo hành, gia đình không hòa thuận, ảnh hưởng đến hàng xóm, thậm chí có lần còn quyết định làm đơn ra tòa ly hôn. Nhờ cán bộ phụ nữ cùng lãnh đạo thôn nhiều lần gặp gỡ hòa giải, hiện vợ chồng chị V. đã bỏ qua khúc mắc, nỗ lực làm ăn, lo cho 2 người con.
Tham gia hòa giải trực tiếp vụ việc, chị Dương Thị Toán, Trưởng thôn Toàn Mỹ cho biết: “Khi hòa giải, tôi tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, từ đó phân tích điều hay, lẽ phải để các bên cảm thông với nhau, bỏ qua mối bất hòa. Thời gian đầu, người chồng không nghe chúng tôi nói mà cho rằng đây là chuyện riêng. Rồi mưa dầm thấm lâu, cuối cùng vợ chồng họ cũng hòa thuận”.
Do mâu thuẫn trong việc chăm sóc con, chị N.T.T. ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) bị chồng đánh nhiều lần. Nắm được thông tin, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Trần Phú phối hợp với lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn, bàn cách giải quyết tốt nhất. Sau đó gặp gỡ riêng vợ chồng chị T. để giải thích, phân tích, đến nay cả 2 vợ chồng đều hiểu, rút kinh nghiệm, thông cảm cho nhau và đồng thuận về cách nuôi dạy con.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 234 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với gần 3,2 nghìn thành viên. Các mô hình đã hòa giải hơn 480 vụ mâu thuẫn gia đình; tư vấn, tiếp nhận hơn 40 nạn nhân bị bạo lực gia đình, bị mua bán trở về.
|
Tại nhiều địa phương khác, sự tích cực của các nữ hòa giải viên đã góp phần mang đến sự hòa thuận trong mỗi gia đình.
Chị Vũ Thị Thái, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đại Giáp, người đã có hơn 6 năm kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở chia sẻ: “Do tác động của kinh tế thị trường, giờ đây ở khu vực nông thôn nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn về tài sản, tình cảm, đất đai, hôn nhân. Có những vụ việc tưởng chừng như rất nhỏ nhưng nếu không được hòa giải kịp thời sẽ thành những vụ việc phức tạp. Thực tế, khi mới nảy sinh mâu thuẫn, nhiều khi chỉ là sự nóng nảy nhất thời, nếu cán bộ hòa giải nhẹ nhàng khuyên bảo, chia sẻ thì việc hóa giải mâu thuẫn sẽ rất dễ dàng. Vì vậy, ngoài việc tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải qua sách báo, Internet, tôi luôn quan tâm nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương để kịp thời tham mưu, đề xuất cho tổ hòa giải”.
Theo tổng hợp của Hội LHPN tỉnh, hiện trên địa bàn có 2.460 tổ hòa giải với hơn 17 nghìn hòa giải viên, trong đó có gần 30% là nữ. 5 năm qua, các nữ hòa giải viên tham gia hòa giải 5.716 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Các vụ tranh chấp, mâu thuẫn được phát hiện kịp thời nên đã hòa giải thành 4.745 vụ (chiếm tỷ lệ 83%).
Lĩnh vực nữ hòa giải viên thường tham gia giải quyết là mâu thuẫn liên quan đến hôn nhân, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, tranh chấp đất đai, môi trường, mâu thuẫn láng giềng, trật tự công cộng...
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn gặp một số khó khăn do đa số hòa giải viên nữ phải kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác, thời gian nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu pháp luật, nâng cao kỹ năng hòa giải còn hạn chế. Một số hòa giải viên chưa mạnh dạn, ngại va chạm nên việc tham gia giải quyết các vụ việc phát sinh chưa kịp thời.
Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, theo bà Ngụy Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh tiếp tục củng cố, thành lập các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ tại các chi hội nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức hòa giải ở cơ sở, trở thành địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Chỉ đạo các nữ hòa giải viên ở cơ sở chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, hỗ trợ giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Qua đó góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, gắn kết hạnh phúc gia đình, tình làng nghĩa xóm.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)