Bỏ thuốc lá và những mẹo làm phổi sạch sau bỏ thuốc
Từ lâu, thuốc lá được xem như “một kẻ giết người thầm lặng” vì tính chất nghiêm trọng do những chất độc có trong thuốc lá gây ra đối với cơ thể con người. Theo các nghiên cứu được công bố, khói thuốc lá có chứa tới hơn 4 nghìn chất hóa học khác nhau, trong đó có nhiều chất gây hại cho cơ thể, đặc biệt, một số chất có thể gây ra tình trạng ung thư.
Thuốc lá và tác hại với sức khỏe con người
Nếu thường xuyên hút thuốc lá có thể gây nên 2 loại tổn thương vĩnh viễn cho lá phổi của người bệnh đó là viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng.
![]() |
Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe. |
Viêm phế quản mạn tính: Sau một thời gian hút thuốc lá, các đường dẫn khí tới phế nang sẽ bị viêm nhiễm và tổn thương. Điều này gây cản trở quá trình vận chuyển khí oxy tới các phế nang.
Khí phế thũng: Các túi khí nhỏ trong phổi hay còn gọi là các phế nang sẽ bị tổn thương, từ đó làm giảm đáng kể diện tích bề mặt của phổi. Lúc này lá phổi của người bệnh sẽ dần mất đi khả năng trao đổi khí oxy như bình thường để duy trì sự sống cho cơ thể.
Không chỉ có phổi, các hệ cơ quan khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi khói thuốc lá, điển hình như:
Não bộ: Khói thuốc lá còn có thể gây nghiện. Mặc dù nhiều khi người ta hút thuốc lá để giải tỏa căng thẳng, stress nhưng nếu chia tay điếu thuốc thì họ thường sẽ cảm thấy bứt rứt, nhớ thuốc, não bộ kém tập trung, cảm giác mệt mỏi cả ngày. Tất cả điều này là do ảnh hưởng của chất nicotin có trong thuốc lá.
Tim mạch: Những chất độc hại chứa trong khói thuốc lá có khả năng gây xơ vữa, hẹp lòng mạch máu, quá trình vận chuyển máu tới các cơ quan khác trong cơ thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi đó tim lại phải gắng sức để bơm máu và về lâu dài tình trạng này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe hệ tim mạch.
Cơ quan sinh sản: Nghiện thuốc lá lâu năm có thể khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ vô sinh, hiếm muộn và giảm ham muốn tình dục.
Trên thực tế thì số lượng người nghiện thuốc lá cũng tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, thậm chí là bệnh ung thư, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người hút thuốc lá cũng vì thế mà giảm đi đáng kể.
Như vậy có thể thấy đằng sau một điếu thuốc nhỏ bé cũng ẩn chứa biết bao nguy hại đối với sức khỏe con người. Vì vậy chúng ta nên từ bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe cho cả bản thân và gia đình.
Bỏ thuốc lá bao lâu thì phổi sạch?
Lá phổi có khả năng tự làm sạch sau khi không còn tiếp xúc với các chất ô nhiễm như khói thuốc lá, khí thải xe cộ, không khí ô nhiễm... Ở những người hút thuốc, bỏ thuốc lá là cách hữu hiệu nhất để giảm thiểu và chữa lành những tổn thương ở phổi.
![]() |
Những thực phẩm lành mạnh giúp tăng cường khả năng kháng viêm, làm sạch phổi. |
Cho dù một người hút thuốc được 3 ngày hay 30 năm, bỏ thuốc luôn là bước đầu tiên để bắt đầu giúp lá phổi khỏe mạnh hơn. Khó để xác định chính xác mốc thời gian cho vấn đề bỏ thuốc lá bao lâu thì phổi sạch. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo khoảng thời gian ước lượng dưới đây để nhận thấy sự thay đổi tích cực khi quyết tâm từ bỏ thuốc lá:
Sau 20 phút: Huyết áp và nhịp tim của bạn sẽ bắt đầu ổn định hơn.
Sau một vài ngày: Hàm lượng carbon monoxide và nicotine trong máu giảm hẳn. Nồng độ oxy tăng trở lại khiến cho việc hít thở trở nên dễ chịu hơn, ngoài ra còn giúp cải thiện độ nhạy bén của vị giác và khứu giác.
Sau 2 tuần đến 3 tháng: Phổi đã dần hồi phục được chức năng tự làm sạch, nhờ đó hệ tuần hoàn và các chức năng khác của phổi cũng được cải thiện.
Sau 3 - 12 tháng: Giảm dần triệu chứng ho và khó thở. Hệ thống lông quyển của phổi đã được tái khởi động để đẩy các độc tố và lớp hắc ín bao trùm phổi bởi khói thuốc ra bên ngoài theo dịch đờm. Nhờ đó giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng.
Sau 1 - 2 năm: Hạn chế rủi ro mắc các bệnh lý về tim mạch.
Sau 5 năm trở lên: So với những người đang hút thuốc thì nguy cơ bị các loại bệnh như huyết áp cao, tim mạch, đột quỵ, các bệnh ung thư như ung thư thanh quản, ung thư miệng, ung thư phổi và ung thư vòm họng giảm đi đáng kể.
Mặc dù chúng ta không biết được chính xác thời điểm bỏ thuốc lá sau bao lâu thì phổi sạch nhưng nhìn chung nếu bỏ thuốc lá thì nguy cơ mắc nhiều loại bệnh lý mạn tính và ác tính đều giảm đi rất nhiều lần. Lá phổi của bạn lại có cơ hội lần nữa để tự chữa lành và nó sẽ không còn bị bao vây, tật bệnh bởi khói thuốc.
Mách bạn cách làm sạch phổi khi bỏ thuốc lá
Bên cạnh những phương pháp y khoa thì bạn cũng có thể áp dụng những cách dưới đây để làm sạch phổi trong quá trình bỏ thuốc lá:
Uống đủ nước mỗi ngày: Mỗi ngày bạn nên uống ít nhất 2 lít nước để làm loãng các dịch nhầy trong phổi, từ đó việc tống những chất dịch này ra khỏi phổi sẽ dễ hơn so với khi ở dạng đặc.
![]() |
Tập luyện thể thao làm khỏe phổi sau cai thuốc lá. |
Tăng cường vận động và tập thể dục, thể thao: Phương pháp này không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe mà còn có tác dụng làm sạch phổi sau khi người bệnh chia tay với thuốc lá. Bắt đầu từ việc đi bộ mỗi ngày sẽ làm mở các túi khí trong phổi, thúc đẩy hoạt động trao đổi oxy và vận chuyển oxy đến các cơ quan khác trong cơ thể một cách dễ dàng;
Nên lựa chọn những loại thực phẩm chống viêm: Những người nghiện thuốc lá lâu năm có nguy cơ cao bị viêm phổi và thường hay xuất hiện triệu chứng khó thở. Vì vậy sau khi bỏ thuốc lá, bạn nên áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau củ và thực phẩm có khả năng chống viêm hiệu quả, ví dụ như cải xoăn, quả việt quất, quả ô liu.
Về vấn đề bỏ thuốc lá bao lâu thì phổi sạch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quãng thời gian hút thuốc trước đó là bao nhiêu hay mức độ tổn thương của cơ thể do khói thuốc gây ra. Bạn có thể thăm khám để biết tình trạng sức khỏe buồng phổi của bạn ở bệnh viện chuyên khoa hoặc khoa hô hấp của các bệnh viện.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như đo chức năng hô hấp, khám phổi, chụp X-quang lồng ngực. Từ đó sẽ xác định được các tổn thương ở phổi, đánh giá mức độ bệnh và đưa ra lời khuyên, biện pháp điều trị phù hợp.
Mỹ Bình
Ý kiến bạn đọc (0)