Bộ Giáo dục & Đào tạo chấp nhận kết quả học trực tuyến
Sau khi học sinh đi học trở lại, giáo viên kiểm tra, đánh giá nội dung học sinh đã học trước đó, lược bỏ, tinh giản nội dung đã học để tối ưu kế hoạch giảng dạy tại trường.
![]() |
Giáo viên Hà Nội dạy học qua truyền hình cho học sinh cuối cấp. |
Đến chiều 13/3, hàng chục địa phương thông báo tiếp tục lùi thời gian học sinh nghỉ học, trong đó nhiều địa phương chưa xác định thời hạn nghỉ như Khánh Hoà, Vĩnh Long, Hoà Bình, Bình Thuận, Phú Yên… Đa số các địa phương cho học sinh các cấp nghỉ học hết tháng 3/2020 như Cà Mau, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Kiên Giang (trừ lớp 12), Hà Nội, Bắc Giang, Hà Giang (trừ THPT).
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, tuy nhiên từ thời điểm học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, đa số các địa phương đều triển khai phương pháp dạy học này.
Ban đầu, mới chỉ dừng lại ở mức độ giáo viên giao bài tập qua zalo, gmail, facebook… Học sinh làm bài tập sau đó giáo viên chấm bài. Một số địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, An Giang, Nam Định…huy động giáo viên cốt cán xây dựng bài học và giảng các môn chính như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị ôn tập cho các kỳ thi.
Trước đó, không ít giáo viên, hiệu trưởng các nhà trường đánh giá, việc dạy học qua truyền hình chỉ là giải pháp tạm thời vì không đem lại hiệu quả. Dạy học trên lớp, giáo viên tương tác với học sinh, có nhiều phương pháp khen thưởng, chấm điểm, khuyến khích thậm chí kèm cặp, xử phạt…Còn dạy học trực tuyến, giáo viên chỉ nói một chiều, phụ thuộc ý thức và sự tự giác của học sinh. Vì thế, ở giai đoạn đầu, Bộ GD&ĐT không thừa nhận kết quả dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, đến ngày 13/3, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các sở tăng cường dạy học trên internet, truyền hình. Trong đó, chú trọng lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học và khung giờ phát sóng trên truyền hình. Lịch phát sóng phải thông báo tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh; báo cáo lịch phát sóng về Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT nay thừa nhận kết quả dạy học qua hình thức này.
Cụ thể: “Khi học sinh đi học trở lại, chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học”, trích văn bản Bộ GD&ĐT.
Theo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc (0)