Bảo vệ tài sản cho công nhân đi cách ly tập trung: Nêu cao trách nhiệm chủ nhà trọ
Thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu là “lõi dịch” của tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Bí thư Chi bộ thì toàn thôn có hơn 200 hộ, 800 nhân khẩu nhưng có tới 14.000 công nhân thuê trọ. Phần lớn trong số này làm việc tại KCN Quang Châu. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, toàn bộ công nhân thuê trọ tại Núi Hiểu đều phải đi cách ly tập trung. Tài sản họ mang theo chỉ là chiếc va ly hoặc túi quần áo nhỏ gọn. Xe máy, phương tiện đi lại, đồ dùng như ti vi, tủ lạnh, thậm chí cả máy vi tính, vật dụng sinh hoạt, nấu nướng của công nhân phải để lại phòng trọ; số ít để ở công ty.
![]() |
Xe máy công nhân thuê trọ gửi tại gia đình ông Hoàng Công Láng, thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu thường xuyên được kiểm tra. |
“Những tài sản này đều rất quan trọng, cần thiết với họ nhất là phương tiện xe máy, trị giá cả chục triệu đồng. Vì vậy chúng tôi phải có trách nhiệm trông giữ, bảo quản cẩn thận, không để mất mát, hư hỏng”-ông Sang khẳng định. Được biết, trước khi đi cách ly tập trung, các công nhân đều có chút thời gian để sắp xếp, chuẩn bị đồ đạc. Những tài sản nhỏ gọn, có giá trị như tiền, vàng đều được khuyến khích mang theo người. Tất cả phòng trọ ở thôn đều được khóa lại, tắt hệ thống điện, công nhân cầm chìa khóa.
Gia đình ông Hoàng Công Láng ở sát nhà văn hóa thôn. Tháng 10 năm ngoái, ông khánh thành khu nhà trọ 6 tầng, có cầu thang máy với 50 phòng khép kín, giá thuê 1,2 triệu đồng/phòng/tháng. Khi dịch xảy ra, tất cả 80 công nhân thuê trọ tại nhà ông đều ở các tỉnh xa phải đi cách ly tập trung. Thời gian này, toàn bộ phòng trọ của gia đình đều cửa đóng, then cài, thường xuyên được phun khử khuẩn. Ngoài những tài sản như xe máy, đồ dùng sinh hoạt, cũng có nhiều kỹ sư làm việc trong ngành xây dựng, giao thông…, máy móc chuyên dụng trị giá cả chục triệu đồng họ vẫn phải để lại phòng trọ.
Khu vực để xe ở tầng 1 có đến hơn 50 chiếc được ông Láng sắp xếp gọn gàng, có lối đi. Những xe nào chưa có khóa ông cẩn thận mua thêm, chú ý phòng chống cháy nổ. Ngoài việc lắp camera ở các tầng, ông còn lắp thêm camera ở nơi để xe. Các tài sản khác để trong phòng khóa cửa lại. Ông cho biết: “Đối với công nhân ở các tỉnh về đây thuê trọ làm việc, hàng ngày, tôi vẫn nhận được những cuộc điện thoại nhờ trông giúp tài sản. Tôi cũng bàn với gia đình khi nào công nhân trở lại, sẽ giảm tiền phòng cho công nhân”.
Bà Thân Thị Hạnh ở thôn Bảy, xã Tăng Tiến có hơn 20 phòng trọ với 50 công nhân thuê. Công nhân ở trọ gia đình bà không đi cách ly hết như ở thôn Núi Hiểu, một số người vẫn ở lại cách ly tại chỗ. Những phòng nào có công nhân đi cách ly tập trung đều được khóa cửa, đánh dấu cẩn thận. Số xe máy của những công nhân đi cách ly tập trung dài ngày, bà sắp xếp lại một khu riêng, khóa dây toàn bộ để tiện theo dõi, quản lý.
Có thể khẳng định rằng kẻ gian khó có thể mang được tài sản đánh cắp ra ngoài địa bàn thời gian này vì các chốt kiểm dịch đã “khóa” khắp làng, xã, nhưng không vì thế mà chính quyền địa phương lơ là, chủ quan. Ông Thân Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Tăng Tiến cho biết: Xã có 386 nhà trọ với gần 2.000 phòng. Số lượng công nhân thuê trọ đến thời điểm phong tỏa là 6.200 người, trong đó công nhân di chuyển về quê là 3.500 người. Như vậy vẫn còn gần 3.000 công nhân đang cách ly tại chỗ. Toàn bộ tài sản là phương tiện đi lại, đồ dùng nấu nướng, sinh hoạt của công nhân cách ly tập trung bên ngoài vẫn để lại nhà trọ.
Ngoài tuyên truyền, biện pháp quan trọng nhất nhằm phòng ngừa mất trộm, thất thoát, hư hỏng tài sản đó là gắn trách nhiệm của chủ nhà trọ. Yêu cầu các chủ nhà trọ lắp đặt đầy đủ hệ thống camera giám sát an ninh; tích cực phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.
![]() |
Phòng trọ của công nhân đi cách ly tập trung được bà Hạnh, thôn Bảy, xã Tăng Tiến khóa cẩn thận. |
Đối với tài sản là xe máy, xã Tăng Tiến thông tin rộng rãi đến công nhân có thể đem gửi tại tầng hầm để xe trụ sở UBND xã. Những xe máy đắt tiền đều có biên bản trông giữ giữa chủ nhà trọ và chủ phương tiện. Địa phương cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát, phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng, phát giác những bất thường hoặc những đối tượng lạ lảng vảng trên địa bàn.
Ông Hoàng Công Láng cho biết: “Nếu chính quyền không giao, gia đình vẫn phải có trách nhiệm trông giữ tài sản của công nhân. Coi tài sản của công nhân như tài sản của gia đình mình nên thận trọng giữ gìn. Mặc dù không có người ở, nhưng tôi vẫn có thói quen kiểm tra thực tế các tầng nhà, cùng đó kiểm tra camera thường xuyên”. Tài sản của công nhân để đâu vẫn để đó, tại phòng, trong tủ. Xe máy được trông giữ, bảo quản nhằm bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ.
Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Công an huyện Việt Yên cho biết: Đối với tài sản của công nhân thuê trọ, chủ nhà trọ vẫn quản lý chung. Cơ bản các phòng trọ đều khóa cửa, đồ đạc ở chỗ nào vẫn để nguyên chỗ đó. Đến nay, Công an huyện chưa nhận được thông tin phản ánh về mất mát, thất lạc tài sản của công nhân.
Ý kiến bạn đọc (0)