Bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng
Về yêu cầu tư vấn dịch vụ: Ngày nay có nhiều loại hình dịch vụ (thương mại, du lịch, giáo dục, bán hàng đa cấp, điện, y tế, mạng viễn thông, bán hàng online…). Dù yêu cầu qua điện thoại, gửi văn bản hoặc đến trực tiếp, Hội Bảo vệ quyền người tiêu dùng (BVQLNTD) Bắc Giang đã tư vấn 100% ý kiến của NTD gửi đến, giúp họ hiểu đúng quy định về các loại hình dịch vụ, lựa chọn sử dụng phù hợp, hiệu quả. Như dịch vụ bán hàng tận thôn xóm (5% ý kiến), dịch vụ viễn thông, bán hàng online (8,6%), dịch vụ y tế (4,3%), bán hàng đa cấp (8,5%), giao thông (3%), dịch vụ an toàn sét (1%)… Với dịch vụ bán hàng tận thôn xóm và du lịch 0 đồng, Hội đã tổng hợp, có cảnh báo về sự lừa đảo để NTD cảnh giác, phòng tránh.
![]() |
Băng zôn tuyên truyền tại TP Bắc Giang nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2019. |
Về yêu cầu tư vấn hàng hóa: NTD phản ánh hàng hóa có nghi vấn về chất lượng, hàng bị hỏng trong thời hạn bảo hành, hàng giả, hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Những ý kiến của NTD trong thời gian qua về hàng hóa đều được Hội tư vấn và phối hợp doanh nghiệp bán hàng kịp thời, các trường hợp lỗi do bên cung cấp hàng hóa đều được bảo hành, đổi sản phẩm mới. Một số trường hợp lỗi do khách hàng cũng được rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Văn T ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) mua ti vi SONY 55 inch về xem một thời gian thì thấy bị lỗi. Hỏi thông tin từ nơi bán và hãng sản xuất đều không có câu trả lời thỏa đáng. Nhận được ý kiến khiếu nại của ông T, Hội đã phối hợp với Công ty SONY Việt Nam giải quyết. Trường hợp ông Nguyễn Văn H ở xã Phúc Sơn (Tân Yên) khiếu nại khi mua sữa đậu nành VinaSoy còn hạn hơn 1 tháng mà đã có một số hộp sinh hơi. Nhận được ý kiến từ Hội, doanh nghiệp sản xuất đã cử cán bộ kiểm tra chỉ sau một ngày. Qua đánh giá xác định sản phẩm bị hỏng do quá trình vận chuyển. Đại diện nhà sản xuất đã tặng ông H 3 thùng sữa mới kèm theo lời cảm ơn vì đã phát hiện và góp ý lỗi của hàng hóa.
Phần lớn NTD khi phản ánh đều mong muốn bên cung cấp dịch vụ, hàng hóa biết lỗi, khắc phục ngay hoặc cảnh báo đến NTD khác. Trường hợp anh Nguyễn Văn T ở huyện Lạng Giang, được thông báo nhận thưởng qua điện thoại, bị lừa mất khoảng 600 nghìn đồng. Anh đến phản ánh thông tin trên với Hội nhằm mục đích tốt đẹp là qua Hội để thông báo đến NTD khác phòng tránh. Tuy nhiên cũng có những “hạt sạn” trong khi NTD sử dụng quyền khiếu nại. Trường hợp của anh Nguyễn Văn H ở huyện Việt Yên là một ví dụ, anh H đến khiếu nại qua Hội vì mua tivi Sony 42 inch mới được một tháng mà màn hình đã đen một góc, nguyện vọng là đổi ti vi mới. Sau khi Hội làm việc với nhà sản xuất thì mới vỡ lẽ: Anh H mua lại ti vi của một gia đình ở Bắc Ninh với giá 4,5 triệu đồng (trong khi chiếc ti vi mới có giá gần 17 triệu đồng). Sau khi xác minh đã phát hiện việc mua bán trên và xác định nguyên nhân ti vi bị vỡ panel (màn hình) trong quá trình sử dụng, anh H đã xin lỗi và ký biên bản chấp nhận kết quả.
Trường hợp anh Nguyễn Văn M ở huyện Hiệp Hòa gọi điện đến Hội trình bày về việc mua phải hộp sữa bột nhưng khi mở ra phát hiện có vật lạ, theo anh nói là như băng dính màu đen? Cán bộ Hội tiếp nhận ý kiến nhưng có chút nghi ngờ vì anh H không chịu mang mẫu cho kiểm tra, đưa mẫu giấy khiếu nại thì anh không viết. Khi được giải thích, hướng dẫn giám định kỹ thuật sẽ xác định được nguồn gốc và thời điểm dị vật. Cuối cùng anh thú nhận bản thân có ý định tống tiền (100 triệu đồng) đối với doanh nghiệp nhưng bị bại lộ sớm.
Qua thực tế tiếp nhận khiếu nại, yêu cầu tư vấn cho thấy NTD cần được nâng cao nhận thức. Trước hết cần nắm chắc những quyền cơ bản và nghĩa vụ được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau đó cần thực hiện đúng quy định khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ. Cuối cùng NTD cần lấy hóa đơn và tìm hiểu cặn kẽ việc khuyến mại, không ham rẻ, lãi khủng, nhất là việc cho không hàng hóa và dịch vụ.
Trương Đức Nhân, Hội Bảo vệ quyền người tiêu dùng tỉnh
Ý kiến bạn đọc (0)