Bảo đảm chất lượng giống cây lâm nghiệp
Giống - yếu tố quyết định
Những năm gần đây, người dân trong tỉnh quan tâm trồng rừng kinh tế. Mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới từ 7 đến hơn 8 nghìn ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều địa phương như Sơn Động, Lục Nam, đặc biệt là Yên Thế đã hình thành vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp lớn với hàng trăm cơ sở. Việc có quá nhiều cơ sở sản xuất đã khiến chủ rừng như bước vào “ma trận” cây giống. Không ít người đã mua phải cây giống không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, trồng rừng đạt hiệu quả thấp.
![]() |
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Nam hướng dẫn kiểm tra cây giống tại vườn ươm Trọng Lý, xã Chu Điện. |
Ông Lý Văn Nhật, thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú (Lục Nam) cuối năm 2019 bán gỗ từ 1,5ha rừng kinh tế nhưng chỉ thu được hơn 30 triệu đồng. Trong khi với cùng diện tích đó, nhiều hộ thu hơn 100 triệu đồng. Nguyên nhân là do gần 5 năm trước ông đã nhập cây giống ở một đại lý tại huyện Lạng Giang về trồng mà không rõ xuất xứ, chất lượng. “Vụ trồng rừng năm nay, tôi đến tận vườn gieo ươm để mua cây giống cho yên tâm”, ông Nhật nói.
Tương tự, năm 2018, gia đình anh Thân Văn Hùng, ở bản Xoan, xã Xuân Lương (Yên Thế) đã phá bỏ hơn 1ha rừng keo vì mua phải cây giống không bảo đảm, khiến cây rừng còi cọc... Không thể thống kê hết các chủ rừng đã mua phải giống cây lâm nghiệp kém chất lượng nhưng rõ ràng việc trồng rừng kinh tế bằng các giống cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến nông dân gặp rủi ro.
Giống là yếu tố đầu tiên quyết định năng suất và chất lượng cây trồng. Với ngành lâm nghiệp, một ngành sản xuất kinh doanh có chu kỳ dài thì ảnh hưởng của chất lượng giống đến hiệu quả kinh tế là rất lớn. Hiện nay, năng suất rừng trồng của tỉnh bình quân đạt 18,6m3/ha/năm, mục tiêu năm 2020 đạt 20m3/ha/năm, còn tương đối thấp so với tiềm năng.
Nguyên nhân là do diện tích rừng đang khai thác (được trồng từ những năm 2012-2014) sử dụng giống cũ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng còn hạn chế, thực hiện trồng rừng quảng canh… Do vậy, nhu cầu giống có năng suất và chất lượng phục vụ trồng rừng là rất cao, cần được quan tâm thỏa đáng.
Tăng tỷ lệ cây giống rõ nguồn gốc
Để hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp đi vào nền nếp, hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT bình chọn, công khai danh sách các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trong tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các huyện, TP tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường quản lý, tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp và trồng trọt, khuyến cáo người dân lựa chọn giống cây có nguồn gốc vào trồng rừng.
Các giống cây lâm nghiệp mới (sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô) được ngành nông nghiệp khuyến khích đưa vào thâm canh năm 2020 gồm: Bạch đàn Cự Vĩ DH 32-29, U6, U7, CT3, CT4; cây keo các dòng BV10, BV26, BV33, AH1, KL2. |
Sở yêu cầu Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính trong năm 2019, đã có 11 cơ sở (ở Sơn Động, Lục Nam và Yên Thế) bị Đoàn công tác xử phạt hành chính. Lỗi vi phạm chủ yếu là: Thiếu công nhân kỹ thuật; thiếu hồ sơ, biển báo chỉ dẫn các lô hàng; doanh nghiệp (DN) bán hạt giống không xuất hóa đơn; sử dụng cây đầu dòng quá hạn quy định…
Sau khi ngành chức năng siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 92 cơ sở, giảm 40 cơ sở so với năm 2019 và hơn 100 cơ sở so với năm 2018. Nhiều chủ vườn sau khi được nhắc nhở đã nâng cao ý thức trách nhiệm.
Đơn cử, hộ ông Hoàng Duy Chiến, thôn Chỉ Chòe, xã Đồng Lạc (Yên Thế) có hơn 15 năm sản xuất giống cây lâm nghiệp nhưng nay tạm dừng vì cây đầu dòng của gia đình đã quá tuổi khai thác. Hơn nữa, hiện đa phần người trồng rừng sử dụng cây giống được sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô nên ông không cạnh tranh nổi. Tới đây, ông sẽ liên kết với các hộ trên địa bàn cùng đầu tư sản xuất cây giống theo quy trình hiện đại mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Năm 2020, Bắc Giang có kế hoạch sản xuất 23,5 triệu cây giống các loại. Riêng 56 cơ sở tại Yên Thế đăng ký xuất vườn gần 16 triệu cây, trong đó phần lớn lượng cây giống được bán cho các tỉnh, huyện lân cận. Vì thế, địa phương rất coi trọng việc quản lý các cơ sở sản xuất, cung ứng giống tại đây. Đại diện Hạt Kiểm lâm Yên Thế cho biết, trong tháng 2, Hạt đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện kiểm tra 14 cơ sở. Trong đó, chỉ có 1 cơ sở tại xã Xuân Lương thiếu chứng minh nguồn gốc lô hạt giống.
Trước đó, ngay từ đầu vụ gieo ươm, Hạt đã cử cán bộ xuống địa bàn phát tờ rơi, yêu cầu các hộ sản xuất cây giống lâm nghiệp ký cam kết sản xuất cây giống theo đúng quy định của pháp luật. Những trường hợp vi phạm, Hạt Kiểm lâm Yên Thế yêu cầu các thôn, xã nhắc nhở, thông báo trên loa truyền thanh để người dân cùng biết.
Cùng với Yên Thế, các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động cũng đã thực hiện tốt việc kiểm soát các cơ sở, DN sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, các cơ sở bị phạt hành chính và nhắc nhở trong năm 2019, đến nay đã sửa chữa, khắc phục những sai phạm.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang cho biết, năm 2019, toàn tỉnh sản xuất 28,166 triệu cây giống; 2 tháng đầu năm nay chuẩn bị được 11,3 triệu cây các loại phục vụ cho trồng rừng. Nhờ kiểm soát chặt từ khâu sản xuất nên số cây giống có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đạt tỷ lệ 89,7%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước 4,7%. Để trồng rừng hiệu quả, các chủ rừng cần ưu tiên lựa chọn giống cây mới, được sản xuất bằng công nghệ cao, rõ nguồn gốc, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng từng địa phương.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)