Bắc Giang: Xây dựng mô hình sản xuất lúa, gạo chất lượng
Thử nghiệm giống mới
Năm 2018, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất lúa, gạo chất lượng cao tại tỉnh Bắc Giang”. Mục tiêu của dự án là tiếp nhận và xây dựng mô hình sản xuất 10 ha giống lúa nguyên chủng, 30 ha giống lúa xác nhận cho hai giống QJ1 và CNC11 theo QCVN 01-54:2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; sản xuất 200 ha lúa thương phẩm QJ1 và CNC11, chế biến gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau hơn hai năm triển khai, dự án đã hỗ trợ được hơn 16 ha lúa thương phẩm giống CNC11; 86,45 ha lúa thương phẩm QJ1; 5ha lúa nguyên chủng CNC11, 5ha giống nguyên chủng QJ1. Đồng thời tổ chức các hội nghị tập huấn cho bà con nắm được các kiến thức cơ bản về canh tác lúa QJ1 và CNC11…
![]() |
Cánh đồng giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao ở xã Tân Liễu (Yên Dũng) trong vụ xuân 2020. |
Thực tế qua hai vụ sản xuất, người dân tham gia đều đánh giá cao chất lượng của hai giống lúa này. Đây là giống lúa thuần ngắn ngày, thời gian sinh trưởng vụ xuân khoảng 130 - 135 ngày, vụ mùa 95 - 100 ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như: Đạo ôn, khô vằn, bạc lá, sâu đục thân… năng suất bình quân đạt 65tạ/ha. Chất lượng gạo ngon, hạt trong, ít bạc bụng, cơm mềm, dẻo, có mùi thơm, thích hợp gieo cấy chân đất vàn, vàn cao, vàn trũng… Ông Triệu Ngọc Trung, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN- đại diện cơ quan chủ trì dự án thông tin: “Việc triển khai mô hình sản xuất đến người dân rất thuận lợi và được bà con hưởng ứng do những ưu việt khi sản xuất thực tế. Cơ quan chủ trì cũng liên kết các doanh nghiệp tham gia thu mua sản phẩm để tạo đầu ra cho bà con. Tuy nhiên, việc thu mua chỉ thực hiện ở lúa giống, còn lúa thương phẩm do chất lượng gạo ngon và mức sản xuất ít nên gần như bà con để tiêu dùng cho gia đình hoặc tự tiêu thụ với giá bán cao do đó chưa tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ”.
Nhân ra diện rộng
Tân Liễu (Yên Dũng) là vùng đất trũng, thông thường chỉ cấy 1 vụ/năm, các giống gieo cấy chủ yếu là KD18 và BC15. Nhằm từng bước thay đổi cơ cấu giống, vụ xuân năm 2020, xã chủ động liên hệ tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa thương phẩm với quy mô 8,3 ha giống CNC11 và 86,45 ha giống QJ1 ở hai thôn Tân Độ và Liễu Nham. Vụ xuân năm 2020, cùng với các hộ dân trong thôn, bà Nguyễn Thị Dung, thôn Liễu Nham đăng ký gieo cấy hơn 1 mẫu lúa QJ1. Bà Dung cho biết: “Năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn các năm trước song nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc nên lúa không bị sâu bệnh hại, thu hoạch được mùa, năng suất đạt khoảng 2,7 tạ/sào”.
Việc triển khai mô hình sản xuất đến người dân rất thuận lợi và được bà con hưởng ứng do những ưu việt khi sản xuất thực tế. Cơ quan chủ trì cũng liên kết các doanh nghiệp tham gia thu mua sản phẩm để tạo đầu ra cho bà con. Ông Triệu Ngọc Trung, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN |
Không chỉ xã Tân Liễu, dự án đã triển khai mô hình sản xuất 10 ha lúa nguyên chủng ở xã Lan Giới (Tân Yên) với 58 hộ tham gia. Ông Dương Văn Đạt, thôn Bình Minh, xã Lan Giới là trưởng nhóm phối hợp với cơ quan chủ trì thực hiện mô hình gieo cấy lúa giống nguyên chủng. Theo ông Đạt, hai giống lúa này ít sâu bệnh hơn hẳn các giống thông thường, năng suất khoảng 60 tạ/ha và được thu mua tươi với giá 6,5 nghìn đồng/kg. Được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi. Vụ mùa này, các hộ dân trong xã đã đăng ký tham gia sản xuất 18ha và hiện đang gieo cấy. Được biết, thời gian kết thúc dự án vào tháng 4/2021. Hiện Trung tâm Ứng dụng KH&CN đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên tiếp tục hỗ trợ triển khai đến nông dân.
Hoàng Thoa
Ý kiến bạn đọc (0)