Bắc Giang: Vợ chồng bác sĩ, điều dưỡng cùng vào điểm nóng chống dịch
Xung phong vào tâm dịch
Ở Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện Phổi Bắc Giang trong suốt những ngày Bắc Giang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, điều dưỡng Nguyễn Thị Luyện (SN 1980) và chồng là bác sĩ Nguyễn Thành Luân (SN 1978) hiểu rõ sự khốc liệt của căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Vừa hoàn thành nhiệm vụ tại Trung tâm ICU, thấy tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, hai vợ chồng lại xung phong vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch.
![]() |
Lãnh đạo Bệnh viện Phổi Bắc Giang tặng hoa cho điều dưỡng Nguyễn Thị Luyện vì có thành tích xuất sắc trong điều trị ca bệnh nặng tại tỉnh Bắc Giang. |
Ở TP mang tên Bác, hai vợ chồng chị được phân công nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. So với tỉnh Bắc Giang, khối lượng công việc và áp lực điều trị ở TP Hồ Chí Minh cao gấp nhiều lần. Ở đây hiện có hơn 700 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị.
![]() |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Luyện dặn dò bệnh nhân nhiễm Covid-19 trước khi ra viện. |
Số ca nhiễm ở TP Hồ Chí Minh tăng nhanh, nhiều ca bệnh nặng nên công việc của các y, bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch vô cùng vất vả. Có những thời điểm, bệnh nhân nhập viện dồn dập, nhiều ca bệnh có diễn biến viêm phổi, khó thở, chị cùng các bác sĩ, điều dưỡng luôn theo dõi chặt chẽ từng ca bệnh để kịp thời cứu chữa, không để người bệnh tiến triển nặng hơn.
Do bệnh nhân đông, Ban Giám đốc Bệnh viện đã bố trí 2 kíp bác sĩ, điều dưỡng điều trị chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Ca ngày làm việc liên tục 10 tiếng, ca đêm làm 14 tiếng liên tục. Khi đã vào khu điều trị, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng phải mặc quần áo bảo hộ đặc chủng, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay, mũ, ủng để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Bởi vậy, vợ chồng chị Luyện lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi, khuôn mặt hằn vết khẩu trang bó kín.
Bệnh nhân Covid-19 điều trị trong Trung tâm ICU cần chăm sóc toàn diện nên công việc của những nhân viên điều dưỡng như chị Luyện vất vả gấp bội phần. Từ việc thực hiện y lệnh của bác sĩ cho đến hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, trực tiếp thay băng, đóng bỉm tã, hút đờm dãi, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh.
Dù vất vả nhưng mọi người đều cố gắng, nhất là việc động viên bệnh nhân ổn định tâm lý, hợp tác điều trị. Hơn nữa, chị và đồng nghiệp luôn nhắc nhở nhau phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho mình. “Mình vào đây hỗ trợ mà chẳng may mắc bệnh thì lại trở thành gánh nặng cho đồng đội. Do đó, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mình chính là góp sức cho công tác phòng, chống dịch”, chị Luyện nói.
![]() |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Luyện. |
Với tinh thần, trách nhiệm, vợ chồng chị Luyện đã xung phong vào nơi hiểm nguy nhất để cứu sống bệnh nhân. Ở các Trung tâm ICU, nhiều bệnh nhân diễn biến xấu nhưng bằng sự nỗ lực, tận tâm, vợ chồng chị và các đồng nghiệp đã quyết tâm giành bằng được sự sống cho người bệnh. Đây là cống hiến, hy sinh thầm lặng cho công cuộc chống dịch của người thầy thuốc tận tụy với nghề.
Hết dịch mới về
Suốt từ tháng 5/2021 đến nay, hai vợ chồng chị Luyện, anh Luân đi chống dịch nên 2 con phải ở nhà một mình. Cháu lớn vừa thi tốt nghiệp THPT, còn cháu nhỏ chuẩn bị vào lớp 7. Do đã quen với việc bố mẹ thường xuyên đi trực nên các con có tính tự lập cao, bố mẹ yên tâm công tác. Thỉnh thoảng bà ngoại và các cô bác mua giúp thức ăn mang sang, hai anh em là tự nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa và hướng dẫn nhau học bài.
Dẫu vậy nhưng đợt này vợ chồng chị xa nhà dài ngày nên cuộc sống gia đình gặp không ít xáo trộn. "Con trai lớn rất thiệt thòi vì đúng dịp thi tốt nghiệp THPT. Thời khắc quan trọng như vậy mà bố mẹ không có ở nhà để quan tâm, động viên, hướng dẫn. Giờ đến thời điểm chọn trường cũng phải tự nghiên cứu, lựa chọn cho phù hợp. Thỉnh thoảng nói chuyện với mẹ qua điện thoại nhưng đông bệnh nhân nên vợ chồng tôi cũng ít có thời gian quan tâm đến con”, anh Nguyễn Thành Luân kể.
![]() |
Vợ chồng điều dưỡng Nguyễn Thị Luyện và bác sĩ Nguyễn Thành Luân. |
Dù rất nhớ các con, gia đình nhưng vợ chồng chị Luyện đã gác lại niềm riêng, dành hết tâm trí phục vụ bệnh nhân, quyết tâm làm nhiệm vụ đến khi hết dịch mới trở về. Bởi anh chị biết đây là trách nhiệm của người thầy thuốc với tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Hơn lúc nào hết, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người dân trong vùng dịch đang rất cần đến sự cứu chữa tận tình của đội ngũ cán bộ y tế.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)