Bắc Giang: Tập huấn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tan máu bẩm sinh
BẮC GIANG - Sáng 20/5, Sở Y tế Bắc Giang phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) cho lãnh đạo, chuyên viên các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) phổ biến kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh, biện pháp điều trị, phòng bệnh và xét nghiệm sàng lọc người mang gen bệnh tại các cơ sở y tế, nhà trường.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà phổ biến kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh. |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, tan máu bẩm sinh là bệnh là di truyền, gây ra tình trạng thiếu máu, tan máu mạn tính. Tùy hội chứng bệnh, các dấu hiệu lâm sàng nhận biết cũng khác nhau.
Bệnh nhân bị hội chứng thiếu máu sẽ có biểu hiện da xanh, yếu mệt; hội chứng tan máu thì vàng da, củng mạc mắt vàng, nước tiểu sẫm màu và tăng lên khi bệnh nhân có đợt sốt; hội chứng thừa sắt thì da sạm đen, khô, loét, suy đa tuyến nội tiết…
Người mang gen bệnh vẫn khỏe mạnh bình thường song nếu hai người cùng mang gen bệnh kết hôn với nhau, nguy cơ sinh ra những đứa trẻ bị bệnh ở mức độ khác nhau, nặng sẽ phải điều trị truyền máu suốt đời, nặng dẫn đến phù thai.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 8 nghìn trẻ sinh ra bị bệnh, trong đó khoảng 2 nghìn trường hợp nặng, phải điều trị truyền máu và 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Hiện nay, với tổng số hơn 20 nghìn người bệnh nặng phải điều trị, mỗi năm cần 2 nghìn tỷ đồng và 500 nghìn đơn vị máu an toàn để truyền cho người bệnh.
Tại Bắc Giang, qua khảo sát gần 7 nghìn học sinh tại huyện Sơn Động (năm học 2023-2024), cơ quan chuyên môn xác định có gần 2,5 nghìn học sinh mang gen bệnh.
![]() |
Bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lấy mẫu xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh cho học viên dự lớp tập huấn. |
Để chủ động phòng ngừa, việc nhận biết dấu hiệu, xét nghiệm phát hiện người mang gen bệnh sớm là phương pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất. Từ kết quả xét nghiệm, người mang gen bệnh sẽ chủ động trong lựa chọn bạn đời cũng như thực hiện sàng lọc trước kết hôn để không sinh ra những đứa trẻ bị bệnh.
Các thông tin, kiến thức được chia sẻ tại hội nghị giúp lãnh đạo, chuyên viên các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo hiểu biết hơn về bệnh tan máu bẩm sinh, từ đó tuyên truyền và triển khai hoạt động tư vấn, sàng lọc cho học sinh và cộng đồng, giảm số trẻ bị bệnh, góp phần nâng chất lượng dân số.
Ý kiến bạn đọc (0)