Lấy mẫu, hậu kiểm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hậu kiểm thường xuyên đối với mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, thông qua lấy mẫu kiểm nghiệm, xử lý vi phạm.
Trong công văn gửi các địa phương hôm 17/5, Bộ Y tế đề nghị như trên, đồng thời yêu cầu thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng.
![]() |
Một lô mỹ phẩm giả từng bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thu giữ. |
Các địa phương, các ngành phối hợp kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không được công bố theo quy định hoặc quảng cáo sai sự thật, ghi nhãn không đúng; hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Động thái này được Bộ Y tế đưa ra khi nhận thấy tình trạng kinh doanh mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của ngành mỹ phẩm trong nước.
Gần đây, Bộ Y tế liên tục phát hiện thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm giả, kém chất lượng. Hôm 9/5, ngành y tế thu hồi 9 loại mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp và Dịch vụ Linh Anh, Phú Thọ, sau khi phát hiện các nhãn sản phẩm ghi công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố. Mới đây, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do không đạt chất lượng.
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược, ghi nhận Thủ tướng đã có Chỉ thị số 17/2018 và nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống vấn nạn trên, song thực tế vẫn xảy ra tình trạng hàng giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là biện pháp chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Cuối tháng 4, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội TikTok, Zalo, Facebook, YouTube. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở cung ứng dược phẩm, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ trước khi nhập và bán cho người dân.
Khuyến khích các cơ sở kinh doanh áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và tem chống giả, như mã QR, để quản lý hàng hóa, giảm thất thoát và ngăn chặn hàng giả. Đồng thời, yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm trên toàn quốc, bao gồm các viện kiểm nghiệm thuốc trung ương và các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố, tăng cường lấy mẫu trên thị trường, chú trọng lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, cả định kỳ cũng như đột xuất.
Ý kiến bạn đọc (0)