Giảng viên người Việt nhận giải thưởng nghiên cứu xuất sắc về xây dựng
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Minh Thông, 39 tuổi, quê ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, được trao giải Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của Hiệp hội lớn nhất về vật liệu cốt sợi (FRP) trong xây dựng.
Viện Quốc tế về vật liệu cốt sợi trong xây dựng (IIFC) công bố giải thưởng hôm 13/5. Anh Thông hiện là giảng viên khoa STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán), Đại học Nam Australia.
![]() |
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Minh Thông. |
Trong email gửi anh Thông, ông Scott T Smith, giáo sư Đại học Adelaide, đại diện Ủy ban danh dự của Viện Quốc tế về vật liệu cốt sợi trong xây dựng, cho biết giải thưởng được trao tại CICE, hội nghị lớn nhất thế giới về vật liệu cốt sợi trong xây dựng, ở thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha, vào tháng 7. Tiến sĩ Thông được mời phát biểu chủ điểm (keynote lecture), vinh dự dành cho những nhà nghiên cứu có đóng góp nổi bật.
"Giải thưởng có ý nghĩa lớn, giúp tôi tiến xa hơn trong học thuật, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và ảnh hưởng trong cộng đồng chuyên môn", anh Thông cho hay.
Theo thông tin từ website Viện Quốc tế về vật liệu cốt sợi trong xây dựng là tổ chức nghề nghiệp quốc tế duy nhất về sử dụng vật liệu composite cốt sợi trong kết cấu xây dựng và hạ tầng dân dụng, với thành viên từ 40 quốc gia ở 6 châu lục.
Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc được Viện Quốc tế về vật liệu cốt sợi trong xây dựng giới thiệu năm 2006, trao hai năm một lần. Ứng viên phải dưới 40 tuổi, có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu vật liệu cốt sợi cho xây dựng. Đến nay, 8 người đã được trao giải, gồm những giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực như Scott T. Smith, Laura De Lorenzis, Luke Bisby và Tao Yu.
Theo cơ sở dữ liệu học thuật ScholarGPS, hơn 13.320 nhà nghiên cứu đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu cốt sợi trên toàn cầu.
Quá trình xét chọn gồm hai vòng: Hồ sơ và phỏng vấn, hồ sơ ứng tuyển do ba học giả uy tín đề cử, lý lịch học thuật chi tiết, 10 công trình nghiên cứu tiêu biểu kèm phân tích, cùng minh chứng về các đóng góp cho cộng đồng Viện Quốc tế về vật liệu cốt sợi trong xây dựng.
Anh Thông cho hay ba giáo sư đề cử mình là Muhammad Hadi (Đại học Wollongong), Tao Yu (Đại học Bách khoa Hong Kong, Trung Quốc) và Riadh Al-Mahaidi (Đại học Công nghệ Swinburne). Sau đó, anh trải qua vòng phỏng vấn bởi các giáo sư ở Canada, Mỹ, Australia, Hong Kong và Bồ Đào Nha.
Công trình nghiên cứu của anh Thông tập trung vào ứng dụng vật liệu polymer vật liệu cốt sợi trong kết cấu bê tông hiện đại, với hai hướng chính. Một là phát triển cáp vật liệu cốt sợi dùng trong dầm đúc sẵn cho công nghệ xây cầu tiên tiến thay thế vật liệu truyền thống. Hai là ứng dụng bu lông vật liệu cốt sợi trong các liên kết dầm- cột nhằm tăng khả năng chịu lực, không gỉ sét và tăng khả năng phục hồi sau động đất hoặc va chạm.
"Thép trong bê tông và bu lông ghép lắp thường bị ăn mòn theo thời gian. Tôi nghiên cứu cách thay thế bằng vật liệu phi kim loại như vật liệu cốt sợi để cải thiện độ bền và khả năng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt", anh giải thích.
Dự án kéo dài hơn 10 năm, từ ý tưởng ban đầu, thí nghiệm, mô phỏng, đến đề xuất công thức thiết kế cho kỹ sư ứng dụng thực tế.
Theo anh, việc nâng cao khả năng chống chịu cho kết cấu không chỉ đòi hỏi vật liệu tiên tiến mà còn cần một sự thay đổi căn bản trong tư duy thiết kế và ứng dụng kết cấu.
Anh Thông cho biết thành tựu này là kết quả của sự đồng hành và đóng góp từ các nghiên cứu sinh, cộng sự, thầy cô trong suốt hành trình nghiên cứu.
"Nếu không có họ, tôi đã không thể đi xa đến vậy", anh nói.
Anh Thông quê ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Thời phổ thông, anh học trường trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh, sau đó đỗ Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011, anh giành học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại Đại học Wollongong, Australia.
Trước khi đến Đại học Nam Australia, anh Thông từng là giảng viên Đại học Curtin.
Theo dữ liệu do Đại học Stanford và Nhà xuất bản Elsevier công bố, anh Thông luôn nằm trong top 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới về chỉ số trích dẫn bài báo khoa học, từ năm 2020 đến nay.
Ý kiến bạn đọc (0)