Bắc Giang: Tạo bước chuyển về chất lượng dạy và học
Tăng cường điều kiện thiết yếu
Những ngày này, công trình nhà ăn và ký túc xá ở Trường THPT Chuyên Bắc Giang đang được thi công. Mặc dù nhà trường được các cấp ủy, chính quyền quan tâm trang bị nhiều phương tiện dạy học hiện đại song điều kiện nơi ăn, nghỉ của học sinh ở xa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện khu ký túc xá chật chội với hơn 200 chỗ ở, nhiều em phải thuê nhà trọ.
![]() |
Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên) được đầu tư xây dựng khang trang. |
Trước thực tế đó, năm nay, UBND tỉnh đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng bổ sung cơ sở vật chất thiết yếu cho trường, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình trong năm học 2021-2022, bảo đảm hơn 500 chỗ ở cho học sinh. Thầy giáo Trần Duy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, thời gian tới, trường có kế hoạch cải tạo khuôn viên, làm sân bóng cỏ nhân tạo, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn, hiện đại, thu hút nhiều học sinh tài năng từ các huyện, thành phố về học tập, xứng đáng là trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh.
Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện phân cấp, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và trực tiếp là đội ngũ giáo viên để tạo môi trường thuận lợi, khích lệ các thầy cô giáo không ngừng thi đua đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới nhằm nâng chất lượng giờ học. |
Được biết, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học toàn tỉnh hiện nay đạt 92,4%, tăng 8,4% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020. Toàn tỉnh có 681 trường chuẩn quốc gia, đạt 93,2%, tăng 15%, đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Tuy vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu khá cao về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy trong khi thực tế ở một số địa phương còn thiếu phòng học, phòng chức năng; vẫn có trường thiếu diện tích. Theo Kế hoạch số 155/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 4/7/2019, đến năm 2025, các huyện, thành phố sẽ đầu tư xây thêm 3,4 nghìn phòng học, bảo đảm đủ 1 phòng học/1 lớp và xóa phòng học tạm, phòng học xuống cấp; xây mới 1,6 nghìn phòng chức năng, mua sắm đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Tổng kinh phí dự kiến huy động các nguồn khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Bám sát lộ trình đổi mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã xác định ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT. Theo Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ, trong điều kiện ngân sách khó khăn, huyện đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển KT-XH khác song sẽ lồng ghép nguồn vốn từ các dự án, chương trình hoặc vận động xã hội hóa để bảo đảm nguồn lực xây dựng trường, lớp học theo đúng lộ trình. Ví như thôn Dinh Hương, thị trấn Thắng đang được Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Tổ chức KFHI tài trợ xây Ngôi trường học Hy vọng Samsung và triển khai nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí tài trợ khoảng 20 tỷ đồng.
Thầy cô chủ động đổi mới, sáng tạo
Đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Ở nhiều trường, cùng với giao chỉ tiêu thi đua, Ban Giám hiệu trao quyền tự chủ, tạo không gian sáng tạo cho từng tổ chuyên môn và giáo viên. Bằng cách này, thầy cô chủ động, mạnh dạn đổi mới nội dung, linh hoạt vận dụng các phương pháp giảng dạy hướng tới mục tiêu phát triển năng lực người học. Nhiều nhà giáo không ngừng tự học, tiên phong thực hiện đổi mới, sáng tạo đạt thành tích cao trong chuyên môn.
![]() |
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Sinh học tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang. |
Để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, cùng với giải pháp tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng bổ sung đội ngũ, trong 5 năm tới, ngành tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho hơn 20 nghìn cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đào tạo khoảng 2,3 nghìn giáo viên hiện có để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn về trình độ theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Mới đây, tại TP Bắc Giang, Sở GD&ĐT tập huấn kỹ năng giáo dục STEM cho 250 cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học trong tỉnh (STEM là tổ hợp viết tắt của từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths -toán học).
Theo ông Ngô Quốc Đường, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT), đây là phương pháp giáo dục hiện đại gắn với nghiên cứu khoa học, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành, tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống. Tại Bắc Giang, thời gian qua đã có một số giáo viên các trường như: THPT Ngô Sĩ Liên, THPT Giáp Hải, THPT Hiệp Hòa số 4, THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) thực hành phương pháp giáo dục STEM. Đánh giá của các đơn vị cho thấy, những học sinh trải qua hình thức giáo dục này có điều kiện phát triển năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ để nghiên cứu khoa học, hứng thú hơn trong học tập.
Mục tiêu nhiệm kỳ tới, ngành giáo dục phấn đấu tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 96,4%, mức độ 2 đạt 21,4%; chất lượng giáo dục toàn diện nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, để đạt được mục tiêu đó, từ năm học này, Sở GD&ĐT thí điểm xây dựng trường học thông minh tại Trường THPT Lục Nam nhằm đổi mới phương pháp quản lý, dạy học hiện đại. Đặc biệt, ngành tiếp tục phân cấp, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và trực tiếp là đội ngũ giáo viên để tạo môi trường thuận lợi, khích lệ thầy cô không ngừng thi đua đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, nâng chất lượng giờ học. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền đầu tư hơn nữa cho các trường THCS trọng điểm và Trường THPT Chuyên, qua đó phấn đấu giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng học sinh giỏi quốc gia với thứ hạng nằm trong 15 tỉnh dẫn đầu toàn quốc, tiếp tục có học sinh dự thi vòng 2 - kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)