Bắc Giang: Sôi động làng nghề dịp cuối năm
Gấp rút hoàn thiện các đơn hàng
Thời điểm này, làng nghề mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) như công xưởng lớn. Tiếng máy cưa, tiếng khoan, đục gỗ rộn ràng khắp nơi. Nhà xưởng, kho, bãi tập kết trong làng nghề đầy ắp gỗ nguyên liệu và các sản phẩm: Bàn, ghế, giường, tủ, con tiện cầu thang, lọ lộc bình,… Xe vận chuyển hàng ra vào tấp nập. Anh Nguyễn Văn Quyền, chủ cơ sở Quyền Nguyên cho biết, hiện anh đang sản xuất hơn 40 mặt hàng. Bình quân mỗi năm cơ sở sử dụng 400 m3 gỗ, trị giá khoảng 8 tỷ đồng, doanh thu khoảng 13 tỷ đồng. Sản phẩm được tiêu thụ khắp các tỉnh, TP trong cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều mặt hàng đắt tiền như: Bộ bàn ghế “hoàng gia”, “con nghê” làm bằng gỗ hương đá nhập khẩu từ Nam Phi có giá 300-400 triệu đồng. “Hiện tôi đã nhận hơn chục đơn hàng sản xuất bàn ghế, đồ thờ, giường, tủ, trị giá gần 1 tỷ đồng. 17 công nhân trong xưởng làm việc liên tục mới kịp trả hàng đúng hẹn cho khách”, anh Quyền chia sẻ.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Quyền (bên trái) với bộ bàn ghế mang phong cách hoàng gia đang được hoàn thiện. |
Ông Nguyễn Đình Thinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mộc Bãi Ổi cho biết, do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế nên trong năm 2022, hoạt động của làng nghề khá trầm lắng. Tuy vậy, dịp Tết này hơn 100 hộ sản xuất đồ mộc trong làng nghề, trong đó có 58 thành viên HTX Mộc Bãi Ổi đều nhận được đơn hàng mới.
Những ngày này, các hộ hội viên Chi hội Nông dân nghề nghiệp bánh chưng Vân, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) cũng luộc bánh suốt ngày, đêm phục vụ khách hàng. Bà Tạ Thị Quý, Chi hội trưởng cho biết, toàn xã có hơn 50 hộ sản xuất bánh chưng, riêng chi hội có 27 hộ. Do dịch Covid-19 được kiểm soát nên năm nay tiêu thụ thuận lợi hơn. Mỗi ngày, các thành viên chi hội sản xuất khoảng 1,2 nghìn chiếc bánh chưng. Dự tính năm nay, chi hội sản xuất 80 tấn bánh, doanh thu khoảng 3,4 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2021.
Ngoài bánh chưng, các hộ còn làm bánh gio. Phục vụ dịp Tết Nguyên đán tới và những tháng đầu xuân 2023, mỗi hộ hội viên đã chuẩn bị 3-4 tấn thóc nếp để sản xuất bánh. Chi hội thống nhất, nếu có đơn hàng lớn thì nhóm hộ (từ 3-5 gia đình) phải cùng nhau làm, giao hàng đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, uy tín. “Gạo nếp cái hoa vàng và đỗ xanh làm bánh là đặc sản được trồng trên cánh đồng xã Hoàng Vân. Thịt lợn làm nhân bánh do HTX Nông nghiệp Hữu cơ Bình Minh (cùng huyện) sản xuất nên bánh chưng của chúng tôi luôn được khách hàng tin dùng”, bà Quý nói.
Bảo đảm vệ sinh ATTP
Hiện nhiều làng nghề trong tỉnh như: Sinh vật cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải, làng nghề mỳ gạo thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (cùng huyện Lục Ngạn); làng nghề bún bánh Đa Mai (TP Bắc Giang); làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên), chuyên sản xuất bánh đa nem,… cũng đang hối hả vào vụ sản xuất cuối năm. Nhiều cơ sở như HTX Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể; cơ sở sản xuất mỳ Chũ Năng Trường, cùng xã Nam Dương (Lục Ngạn) đầu tư hàng chục triệu đồng thiết kế, in ấn mẫu bao bì sản phẩm mới để thu hút khách hàng.
![]() |
Người dân làng Thổ Hà phơi bánh đa nem. |
Ngày 8/12 vừa qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023. Đây là đợt cao điểm về truyền thông, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP (thực hiện từ ngày 19/12/2022-12/3/2023). BCĐ yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đặc biệt là cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội. Chú trọng kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ,…
Toàn tỉnh hiện có 8/27 làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tinh bột, với các mặt hàng: Bánh đa, bánh đa nem, mỳ gạo. Còn lại là các làng nghề sản xuất mây tre đan, cây cảnh,… Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có hàng chục HTX sản xuất mỳ gạo, bánh chưng và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm. |
Thực hiện chỉ đạo này, các địa phương luôn chú trọng bảo đảm vệ sinh ATTP và vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà thông tin, xã có 500 hộ làm bánh đa nem, riêng thôn Thổ Hà có 400 hộ, còn lại là thôn Yên Viên. Phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Quý Mão, nhiều hộ đang sản xuất 3 ca/ngày, sản lượng đạt 1-3 nghìn chiếc bánh/ngày/hộ, thu lãi hàng triệu đồng. Hiện Vân Hà có hơn 200 máy tráng bánh đa nem, tăng hơn năm ngoái khoảng 20 máy. Để sản phẩm luôn đạt chất lượng, UBND xã yêu cầu các hộ tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Đặc biệt là nơi phơi bánh phải thoáng, rộng, tránh bụi bẩn. Khu chăn nuôi gia súc cách ly hoàn toàn với nơi sản xuất bánh.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất mỳ Chũ, Trưởng thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) cho biết, cùng với khuyến khích các hộ tích cực áp dụng cơ giới vào sản xuất như: Say bột, tráng, thái bánh, sấy khô, Ban quản lý thôn yêu cầu các hộ xây bể xử lý nước thải, không để gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Anh Phạm Xuân Trường, chủ cơ sở sản xuất mỳ Chũ Năng Trường (cùng thôn Thủ Dương) khẳng định, toàn bộ mỳ ngũ sắc của gia đình được sử dụng bột nguyên liệu từ rau, củ quả sấy lạnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Riêng mỳ xanh dương, mỳ đỏ được làm bằng hoa đậu biếc và củ dền tươi nên luôn bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP. “Chú trọng sản xuất sản phẩm ATTP cũng chính là bảo vệ và phát triển làng nghề”, anh Trường nói.
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)