Tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề
Nhiều làng nghề “đóng cửa”
Năm nay vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hoà) đã bước vào tuổi 70 nhưng hằng ngày vẫn cần mẫn chau chuốt từng chiếc nan tre để làm nên những chiếc thúng tròn trịa, chắc bền. Ông Thanh cho biết, đã làm nghề đan thúng hơn 50 năm.
![]() |
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh duy trì nghề đan thúng. |
Những năm trước, khi các con của ông bà chưa xây dựng gia đình, vẫn phụ giúp bố mẹ thì mỗi phiên chợ làng (cách nhau 5 ngày) ông làm và bán được 30 đôi thúng. Nghề làm thúng nuôi sống cả gia đình. Nay các con ra ở riêng, mỗi tuần vợ chồng ông chỉ làm được khoảng 10 đôi thúng, trị giá 550 nghìn đồng.
Ông Thanh tâm sự: “Bây giờ các đồ gia dụng sản xuất bằng mây tre đan cơ bản được thay bằng vật liệu khác như: Nhôm, nhựa hay inox. Do đó sản phẩm thúng tre tiêu thụ rất chậm. Thu nhập chỉ đủ tiền rau dưa qua ngày. Vì thế, nếu trước đây cả làng mấy trăm hộ làm nghề đan thúng thì nay số hộ theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Ông Nguyễn Quang Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm cho biết, xã có 2 làng nghề sản xuất mây tre đan là Cẩm Trung và Cẩm Bào được tỉnh công nhận, với gần 600 hộ sản xuất. Sản phẩm chủ yếu là thúng, được thương lái thu mua, tiêu thụ trong cả nước. Từ năm 2014 đến nay, hoạt động sản xuất của 2 làng nghề gặp nhiều khó khăn nên hầu hết các hộ đều bỏ nghề.
Huyện Hiệp Hoà còn làng nghề sản xuất mây tre đan Cẩm Trang, làng nghề sản xuất dây thừng Trung Hưng (cùng xã Mai Trung) và làng nghề nuôi tằm ươm tơ Mai Thượng, xã Mai Đình mấy năm gần đây đều gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất, nhân lực, sản phẩm không có đầu ra, khiến các hộ bỏ nghề.
Vì thế, tháng 5/2021, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận làng nghề với cả 5 làng nghề này bởi không bảo đảm các tiêu chí, như: Số hộ tối thiểu tham gia sản xuất không đạt 20% tổng số hộ trong làng; không đạt thời gian hoạt động kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục theo quy định của Chính phủ.
Cùng đó, tháng 9/2021, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận 7 làng nghề sản xuất vôi, cay sỉ trên địa bàn huyện Yên Thế. Bao gồm các làng nghề: Bờ Mận, Cầu Tiến, Hốt Hồ, Bo Non, Yên Bái, Rừng (cùng xã Hương Vĩ) và làng nghề Cầu Gụ, xã Đông Sơn.
Ngoài nguyên nhân không đạt tỷ lệ số hộ và thời gian sản xuất liên tục theo quy định, các làng nghề vôi, cay sỉ tại Yên Thế còn không đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời phải ngừng hoạt động sản xuất theo kế hoạch số 2398/KH-UBND ngày 25/8/2015 của UBND tỉnh về chấm dứt hoạt động sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020.
Hỗ trợ để làng nghề phát triển
Toàn tỉnh hiện còn 27 làng nghề. Các làng nghề hoạt động trong 4 nhóm ngành nghề, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may…; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có 27 làng nghề, hoạt động trong 4 nhóm ngành nghề, gồm: Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may…; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh và nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Các làng nghề thu hút hơn 1,9 nghìn hộ sản xuất với hơn 5 nghìn lao động; tổng doanh thu đạt hơn 800 tỷ đồng/năm. |
Trong đó có 14/27 làng nghề hoạt động phát triển mạnh, chủ yếu ở các nhóm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh và nghề sản xuất mộc dân dụng.
Tuy nhiên, hiện số lượng các hộ sản xuất ở một số làng nghề có xu hướng giảm dần, như ngành nghề sản xuất mây tre đan ở các thôn: Chùa, Bảy, Chằm, Phúc Long thuộc xã Tăng Tiến (Việt Yên); Đông Thắng, Thuận Lý thuộc xã Tiến Dũng (Yên Dũng); làng nghề chẻ tăm lụa thôn Lực, xã Tân Mỹ…
Lao động tham gia làm nghề chủ yếu là người lớn tuổi. Tình trạng thiếu lao động trẻ để giữ nghề cũng khiến các làng nghề gặp khó khăn.
Theo Chi cục PTNT Bắc Giang, nguyên nhân nhiều làng nghề bị thu hồi Giấy chứng nhận và gặp khó trong sản xuất, kinh doanh là do sự phát triển mạnh của các khu, cụm công nghiệp với mức thu nhập cao và ổn định hơn nên thu hút nhiều lao động phổ thông và lao động trẻ tham gia.
Quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ lẻ, ở mức hộ gia đình, chưa có sự liên doanh, liên kết trong sản xuất, trong khi sản xuất đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn và nhân lực. Sản phẩm một số làng nghề giá trị gia tăng thấp, chưa xây dựng được thương hiệu nên người dân không đầu tư phát triển sản xuất. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm làng nghề khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại.
Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của làng nghề Việt Nam.
Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hoá, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH nông thôn bền vững.
Để thực hiện Quyết định số 801 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục bảo tồn, phát triển làng nghề của Bắc Giang, ông Nguyễn Thái Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết, ngành Nông nghiệp đã đề ra một số giải pháp chính như: Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề.
Tập huấn cho bí thư, trưởng các thôn (bản) và các cơ sở sản xuất về bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống để đầu tư phát triển thương hiệu.
Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề để nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động làm việc trong các làng nghề. Ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, xây dựng địa điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn vay ưu đãi, tạo “cú hích” cho các làng nghề ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)