Bắc Giang: Sản lượng mỳ Chũ tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường
![]() |
Trên các kệ hàng của nhà phân phối Vinh Tám chỉ còn mấy chục gói mỳ Chũ (ảnh chụp 8 giờ 30 phút ngày 25/3). |
Tìm hiểu tại “Điểm bán hàng Việt Nam” do Sở Công Thương quản lý tại số 158, đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) - nhà phân phối Vinh Tám (chuyên phân phối hàng nông sản như: Mỳ Chũ, bánh đa, mật ong, vải thiều sấy Lục Ngạn…), trên các kệ hàng chỉ còn vài chục gói mỳ gạo.
Ông Lâm Quang Vinh, chủ đại lý cho biết, gần một tháng qua, đại lý liên tục cạn hàng mỳ Chũ. “Khoảng một tháng nay tôi bán được hơn 6 tấn mỳ, tăng từ 1 đến 2 tấn so với những tháng trước; giá bán từ 28- 30 nghìn đồng/kg, tăng nhẹ so với trước. Dù lượng mỳ, giá bán tăng nhưng tôi không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông Vinh chia sẻ. Được biết, cùng thời điểm này năm ngoái, đại lý của ông Vinh chỉ bán túc tắc, chủ yếu khách mua mỳ làm quà biếu.
Tương tự, những ngày gần đây, cửa hàng bán mỳ gạo Chũ của bà Nguyễn Thị Tắc ở số 46, đường Nguyễn Cao (TP Bắc Giang) mỗi ngày cũng bán vài chục kg. Nếu khách mua với số lượng nhiều phải đặt trước vì hiện cửa hàng không tích trữ nhiều trong kho như trước.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể, xã Nam Dương (Lục Ngạn) cho biết, nguyên nhân dẫn đến mỳ Chũ khan hàng là do thời gian gần đây thời tiết mưa nhiều nên các cơ sở sản xuất mỳ gạo trên địa bàn huyện không cung ứng kịp.
Cùng đó, nhiều người dân có tâm lý lo ngại dịch Covd-19 bùng phát nên mua tích trữ mỳ để dùng dần. Không chỉ thị trường trong tỉnh mà các đại lý mỳ Chũ ở các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội… cũng đặt hàng với số lượng lớn.
Ông Nam khẳng định: “Đây chỉ là sự khan hiếm cục bộ, nhất thời, người tiêu dùng không lo thiếu dẫn đến tâm lý mua tích trữ về dùng dần vì hiện hơn 20 HTX, doanh nghiệp (DN) và hàng trăm hộ sản xuất mỳ gạo Chũ tại Lục Ngạn đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để sản xuất mỳ, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
![]() |
Sản xuất mỳ gạo tại một hộ ở xã Nam Dương (Lục Ngạn). |
Theo UBND huyện Lục Ngạn, trong tháng 3, mặc dù thời tiết nhiều ngày có mưa, song các HTX, DN, hộ dân trên địa bàn huyện vẫn tập trung sản xuất ước đạt gần 960 tấn mỳ gạo (tăng hơn 280 tấn so với tháng 2 và hơn 370 tấn so với tháng 1 năm nay), tổng giá trị ước đạt gần 23 tỷ đồng. Theo đó, 3 tháng đầu năm, sản lượng mỳ gạo của Lục Ngạn đạt hơn 2,2 nghìn tấn, giá trị tương ứng 53,3 tỷ đồng.
Huyện Lục Ngạn hiện có 23 HTX với khoảng hơn 1 nghìn hộ sản xuất mỳ gạo, tập trung nhiều ở các xã: Nam Dương, Trù Hựu, Thanh Hải… Nhiều HTX đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn kết người dân, HTX với DN. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đưa thương hiệu “Mỳ Chũ” ngày càng vang xa.
Ý kiến bạn đọc (0)