Bắc Giang: Ngăn chặn gian lận trong bán hàng trực tuyến
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Anh Nguyễn Tuấn Anh, ngõ 479, đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) thường mua quần qua mạng Internet bởi các mặt hàng rao bán trên mạng đa dạng, hợp “gu” ăn mặc của anh, ngồi ở nhà cũng mua được. Học kinh nghiệm mua hàng của bạn bè nên anh chỉ chọn mua hàng trên trang TMĐT uy tín... Anh Tuấn Anh cho biết: “Hàng hóa mua qua các trang TMĐT uy tín luôn có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm chất lượng như quảng cáo”.
![]() |
Một hình thức quảng cáo bán hàng qua Facebook. |
Thế nhưng không phải ai cũng hiểu biết và lựa chọn đúng như anh Nguyễn Tuấn Anh. Ví như trường hợp của anh T.Đ (xin được giấu tên), đường Nguyễn Cao (TP Bắc Giang). Theo anh T.Đ, tháng 4/2022, anh chọn mua 2 quần soóc, chất liệu vải bóng, trên trang Facebook có tên “Man68- thời trang cao cấp”.
Khi nhân viên giao hàng mang hàng tới lại là 1 chiếc quần bóng và 1 chiếc chất liệu kaki bình thường. Mặt hàng chỉ có giá hơn 300 nghìn đồng/chiếc nên anh không muốn đôi co vì mất thời gian.
Trước đó, cuối năm 2021, anh T.Đ mua 1 áo “thun Hoa Kỳ” trên trang Facebook có tên “Windy Clothing”. Tháng 6/2022, trang bán hàng này đã nhắn tin qua Messenge nhằm “tri ân khách hàng” bằng cách bán những chiếc áo phông cùng loại như trên, giá rẻ gần bằng 1/2 so với thời điểm cuối năm 2021. Vì ham rẻ nên anh đặt mua thêm 1 chiếc (khác mẫu áo đã mua) và hàng nhận được lại là chiếc áo phông cùng mẫu cũ. Điều đáng nói là khi liên lạc để đổi áo thì bên bán không hồi đáp.
Được biết, nhiều trường hợp mua thuốc nhuộm tóc về nhưng nhuộm tóc không đen; mua phải mỹ phẩm giả nên khi dùng bị hỏng da mặt. Nguyên nhân là bên bán đã chơi trò “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Anh Trần Trung Kiên, nhân viên giao hàng của Bưu cục Giao hàng tiết kiệm chi nhánh Bắc Giang (Công ty TNHH Techbike Việt Nam) cho biết, 5 năm trong nghề, anh đã gặp rất nhiều trường hợp khách phải đổi hoặc trả hàng vì sản phẩm không đúng như lời quảng cáo. Nhiều khách hàng ngậm “trái đắng” vì chủ hàng online đã xóa địa chỉ trên mạng xã hội, không thể liên lạc đổi, trả hàng. Người mua thường chấp nhận chịu thiệt, không báo cơ quan chức năng để xử lý.
Phối hợp quản lý và xử lý vi phạm
Trên mạng Iternet, các chủ tài khoản Facebook, Zalo, Tiktok… rao bán đủ các loại hàng hoá, từ mớ rau, con cá, đồ điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy, thức ăn, nước giải khát, sữa, thực phẩm chức năng… tới các loại thuốc chữa bệnh, với những lời quảng cáo hấp dẫn. Tại Bắc Giang cũng có không ít cá nhân bán hàng trực tuyến.
Ví như trường hợp của anh Đào Văn H, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Kỳ (Yên Thế). Mỗi tháng anh H bán hàng trăm chiếc gối trúc nhồi bông qua mạng xã hội nhưng sản phẩm không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất.
![]() |
Gia đình anh Đào Văn H bán những chiếc gối nhồi bông không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất. |
Ngoài những người bán hàng chuyên nghiệp, trên các trang mạng còn có rất nhiều cán bộ, công chức cũng tham gia bán hàng online, với đủ các loại sản phẩm được quảng cáo theo kiểu: “Hàng của nhà làm ra”, “sản phẩm của người quen”, hay “dùng thấy tốt nên gom đơn, mua hộ mọi người”… Thực tế, đa phần những hàng hoá này đều khó kiểm soát chất lượng.
Ông Lê Quang Tú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh thừa nhận hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về đo lường, chất lượng, an toàn thực phẩm diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, năm 2021, Cục QLTT mới phát hiện và xử lý 1 vụ. Từ đầu năm đến nay chưa phát hiện vụ nào. Nguyên nhân là do các Website TMĐT không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng…
Việc giao hàng chủ yếu qua hình thức tự vận chuyển hoặc qua dịch vụ vận chuyển hàng hóa giao, nhận hàng tại nhà. Hầu hết các giao dịch bán hàng giả, hàng nhái đều không có chứng từ cụ thể. Bên cạnh đó, người bị hại thường không trình báo, vì vậy cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý.
Để quản lý, giám sát hoạt động TMĐT hiệu quả, Cục QLTT đã thành lập Tổ Quản lý TMĐT, cử cán bộ có trình độ công nghệ thông tin tham gia. Đại diện Cục QLTT Bắc Giang khuyến cáo, khi mua hàng, người tiêu dùng phải lựa chọn những Website TMĐT có uy tín, như: Shopee, Tiki, Sendo, Lazada… Bởi những sàn TMĐT này có địa chỉ rõ ràng.
Người tiêu dùng cần xem kỹ mẫu mã sản phẩm và đọc kỹ các điều khoản trước khi đặt hàng. Khi nhận hàng phải kiểm tra xem có đúng mẫu mã, chủng loại, số lượng hay không. Nếu phát hiện có biểu hiện gian dối khi mua bán qua TMĐT cần báo ngay đến Cục QLTT theo số điện thoại đường dây nóng: 0981.027.389. |
Hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người tiêu dùng cần xem kỹ mẫu mã sản phẩm và đọc kỹ các điều khoản trước khi đặt hàng.
Khi nhận hàng kiểm tra xem có đúng mẫu mã, chủng loại, số lượng hay không. Nếu phát hiện có biểu hiện gian dối khi mua bán qua TMĐT cần báo ngay đến Cục QLTT theo số điện thoại đường dây nóng: 0981.027.389.
Thực tế hoạt động kinh doanh trực tuyến diễn ra rất phức tạp. Do đó, các cơ quan như: Sở Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Công an tỉnh và Cục QLTT cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm. Nghiên cứu kiến nghị hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động TMĐT.
Tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT để người mua hiểu được quyền, lợi ích của mình, nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh bằng hình thức TMĐT cũng như tạo điều kiện khuyến khích các nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng phát triển.
Cục QLTT cần đào tạo và phát triển năng lực cán bộ trong lĩnh vực TMĐT, bắt kịp các ứng dụng công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thu thập thông tin, xác định vi phạm trong các trang, các ứng dụng TMĐT thì mới xử lý hiệu quả.
Bài, ảnh: Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)