Tội bán hàng giả
Lực lượng chức năng ước tính có khoảng 30 nghìn chiếc túi xách nhái các thương hiệu nổi tiếng như Hermès, LV, Chanel đang được tàng trữ ở đây. Họ phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỷ đồng và được cho là kho hàng giả lớn nhất miền Bắc.
Các sản phẩm túi xách này được bán dưới hình thức online, qua các trang Facebook khác nhau và sử dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Số lượng đơn hàng cũng lên tới hàng nghìn mỗi ngày.
Điều đáng nói là các trang Facebook này ngày nào cũng bán hàng, bán công khai và với giá cực rẻ. Một chiếc túi Hermès chính hãng có thể lên tới cả tỷ đồng, giá phổ biến hơn 100 triệu đồng/chiếc; trong khi một chiếc túi “nhái” y xì như vậy ở kho hàng này được rao bán chỉ vài trăm nghìn đồng/chiếc.
Liệu người bán hàng và người mua hàng có biết đây là sản phẩm làm giả không? Chắc chắn là biết bởi người bán không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ lô hàng; còn người mua thì chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ, quá khiêm tốn là có thể sở hữu những sản phẩm “nhái” hình dáng, mẫu mã giống y sản phẩm có thương hiệu.
Điều đáng nói là kiểu bán hàng giả này vẫn đang tồn tại. Không ít người bán hàng lập luận rằng họ nói công khai đây là hàng “fake” (tức là hàng nhái) thì mới có giá như vậy; còn ai mua là do thuận mua vừa bán, không ai ép.
Có thể nói nhu cầu dùng hàng “xịn”, hàng tốt là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng song không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để mua hàng chính hãng. Với một chiếc túi có giá hàng trăm triệu như của các thương hiệu được làm giả đó thì số người mua không nhiều; vậy nên hàng giả, hàng “fake” mới có đất sống, thậm chí “sống khỏe” hơn cả hàng thật.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, việc mua và sử dụng hàng giả là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Còn hành vi kinh doanh hàng giả là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. Tùy tính chất, mức độ, loại hàng hóa vi phạm… sẽ bị phạt tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Chúng ta có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và trên thực tế, nhiều sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu “made in Việt Nam” đã không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng và giá thành để phù hợp nhất với đại đa số người tiêu dùng.
Một khi người tiêu dùng quay lưng với hàng giả, không mua bán, tiêu thụ hàng giả thì hàng giả sẽ không còn đất sống. Và chúng ta vẫn có được những món đồ chính hãng, từ chính người Việt sản xuất, giá hợp lý để không phải là những người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật từ tội buôn bán hàng giả như trên.
Ý kiến bạn đọc (0)