Bắc Giang: Luật sư bào chữa chỉ định cho gần 250 bị cáo
![]() |
Luật sư Võ Thị An Bình, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang bào chữa chỉ định cho bị cáo Trần Thị Xa phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". |
Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang có 73 luật sư thành viên ở 34 tổ chức hành nghề. Thống kê năm 2022, Đoàn đã cử luật sư bào chữa chỉ định cho gần 250 người bị buộc tội theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tăng gấp 2 lần so với năm 2021 (hầu hết tham gia từ giai đoạn điều tra đến truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm).
Theo quy định của pháp luật, người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân của người bị buộc tội không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa trong các trường hợp sau: Bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình. Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất, tâm thần, dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, trong các trường hợp được chỉ định trên, người bị buộc tội, người đại diện, người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Năm 2022, một số bị cáo có luật sư bào chữa chỉ định như: Bị cáo Trần Chung Hiếu (SN 1974, tên gọi khác là Trần Trung Hiếu, Trần Văn Hiếu) ở thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh (Lạng Giang) bị Viện KSND tỉnh truy tố về tội “Giết người”; bị cáo Trần Quang Thìn (SN 1976) ở tổ dân phố Trần Hưng Đạo, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) phạm tội “Giết người”; bị cáo Trần Thị Xa (SN 1984) ở thôn Tú Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…
Nhìn chung, các luật sư chỉ định nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình khi tham gia phiên tòa; tôn trọng sự thật; bảo đảm tính khách quan, minh bạch của vụ án; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo (như được giảm nhẹ khung hình phạt, miễn trách nhiệm dân sự…).
Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, Đoàn Luật sư tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến quy định nếu tổ chức nào không cử luật sư tham gia bào chữa chỉ định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, yêu cầu mỗi luật sư tuân thủ nghiêm quy định “Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao” được quy định rõ trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Tin, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)