Bắc Giang: Hội nghị trực tuyến tuyên truyền pháp luật về bầu cử
Dự tại điểm cầu TP Bắc Giang có các Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Vũ Mạnh Thắng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với hơn 200 điểm cầu.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác tuyên truyền được phổ biến sâu rộng tới cán bộ, quần chúng, nhân dân bằng nhiều hình thức như: Biên soạn tài liệu, tổ chức cuộc thi trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng...Qua đó giúp cử tri nắm chắc quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử, tiêu chuẩn để lựa chọn những đại biểu xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chí đề nghị các đại biểu quan tâm theo dõi, lắng nghe đầy đủ thông tin, lấy đó làm cơ sở triển khai tổ chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, đề nghị các đại biểu trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện tuyên truyền pháp luật về bầu cử để Ủy ban Bầu cử tỉnh chỉ đạo kịp thời. Sau khi kết thúc hội nghị, công tác tuyên truyền pháp luật về bầu cử phải được thực hiện thường xuyên hơn, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiến độ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ của đơn vị.
Tại hội nghị, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đã thông tin nhanh về kết quả tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên cả nước đến thời điểm hiện tại. Đồng thời nhấn mạnh một số nội dung quan trọng cần chú ý về công tác lập, niêm yết danh sách cử tri, công tác chuẩn bị ngày bầu cử; công tác kiểm đếm phiếu bầu; trường hợp khuyết người ứng cử sát ngày bầu cử...
![]() |
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng truyền đạt một số nội dung cần lưu ý trong bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. |
Ở những đơn vị hành chính cấp huyện, xã sáp nhập thì phải thực hiện ngay số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND đúng với quy định hiện hành của pháp luật trong nhiệm kỳ này.
Về bước lập danh sách cử tri, đồng chí lưu ý về cách xác định tuổi của công dân đủ tuổi cử tri. Công dân Việt Nam sinh từ ngày 23/5/2003 trở về trước (lúc đó đủ 18 tuổi trở lên) có quyền bầu cử.
Đối với trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 1 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh làm căn cứ đề xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử. Chậm nhất 40 ngày trước ngày bầu cử phải niêm yết danh sách cử tri ở nơi rộng rãi, có mái che và thông báo để công dân nắm được và kiểm tra.
![]() |
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm. |
Căn cứ vào mật độ, số dân, tổ bầu cử chọn địa điểm bỏ phiếu thuận lợi cho người dân; bảo đảm có lối ra, lối vào, an toàn, tiết kiệm. Công tác chuẩn bị hòm phiếu, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm địa phương và do Ủy ban Bầu cử tỉnh hướng dẫn. Ngày bầu cử là ngày 23/5, thời gian bắt đầu lúc 7 giờ, kết thúc 19 giờ; căn cứ tình hình thực tế, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ cùng ngày. Việc niêm phong, mở hòm phiếu phải thực hiện đúng quy định.
Đồng chí nhấn mạnh, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, Ủy ban Bầu cử các cấp cần chủ động xây dựng phương án, lên kế hoạch chi tiết, sẵn sàng kịch bản ứng phó khi xuất hiện ca bệnh trên địa bàn, bảo đảm quyền của công dân mà vẫn an toàn khi phòng dịch.
Tin, ảnh: Thư Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)