Bám sát địa bàn, đa dạng hình thức tuyên truyền về bầu cử
Kịp thời gỡ vướng
Theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015, cuộc bầu cử có một số điểm cần lưu ý như quy định về số lượng, thành phần tham dự hội nghị cử tri; nội dung, trình tự, thủ tục, các bước tổ chức hội nghị hiệp thương... Để thực hiện đúng quy định của Luật, từ đầu tháng 3/2021, ngay sau hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, cán bộ mặt trận các cấp . Trong đó đặc biệt quan tâm hướng dẫn cán bộ cơ sở tại những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.
![]() |
Cán bộ mặt trận các cấp huyện Sơn Động tiếp nhận tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền bầu cử. |
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt, vẫn còn nơi gặp khó khăn, vướng mắc như: Giới thiệu người ngoài danh sách đã dự kiến; cử tri đến hội nghị không đúng thành phần, không đủ số lượng hoặc người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã không đủ phiếu tín nhiệm...
Nguyên nhân chủ yếu là do sau đại hội đảng các cấp, nhiều địa phương thay đổi nhân sự, cán bộ mới được giao đảm nhận chức danh chủ chốt ở cơ quan, đơn vị lần đầu trực tiếp chỉ đạo công tác bầu cử nên còn lúng túng; đội ngũ cán bộ tham mưu thiếu kinh nghiệm, một số văn bản của T.Ư chưa hướng dẫn rõ ràng. Ông Giáp Ngọc Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: "Những địa phương phát sinh vướng mắc đã kịp thời báo cáo cấp trên và được hỗ trợ giải quyết. Vì vậy, quy trình các bước tổ chức bầu cử bảo đảm theo quy định của Luật".
Đơn cử như tại huyện Yên Thế, ngay khi nắm được thông tin ở 10 thôn, bản thuộc 4 xã: Đồng Kỳ, Đồng Lạc, Tiến Thắng, Tam Tiến không triệu tập đủ cử tri đến dự hội nghị lấy ý kiến đối với người ứng cử HĐND cấp xã, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã yêu cầu các địa phương này tổ chức lại, đồng thời phân công một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện trực tiếp về dự hội nghị. Bà Trần Thị Vượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Cán bộ Ủy ban MTTQ huyện đã trực tiếp xuống cơ sở gặp gỡ, phân tích, giải đáp nhiều băn khoăn của cử tri. Đây cũng là dịp để người được giới thiệu ứng cử lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cử tri, phấn đấu hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân địa phương khi trúng cử”.
Nhiệm vụ chính trị trọng tâm
Tỉnh Bắc Giang có hơn 26 nghìn người dân sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó vẫn còn 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Xác định tổ chức cuộc bầu cử là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc. Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Sơn Động cho biết: Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/HU, thành lập ban chỉ đạo; ấn định 8 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND huyện và 110 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã. Đến nay, huyện đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ hai thống nhất lập danh sách sơ bộ 62 người ứng cử đại biểu HĐND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Từ ngày 21/3 đến 13/4, các đơn vị tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri với người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba. |
Xã Vĩnh An (Sơn Động) có địa bàn rộng, quy mô dân số đông với hơn 8,7 nghìn nhân khẩu, 16 dân tộc sinh sống ở 12 thôn. Xã thành lập 8 đơn vị bầu cử, trong đó 4 đơn vị ghép giữa hai thôn, tổ dân phố gồm: Đơn vị số 1 (thôn Mai Hiên và thôn Mặn); đơn vị số 2 (thôn Làng Chẽ và thôn Chào); đơn vị số 6 (thôn Phú Hưng và thôn Đồng Mặn); đơn vị số 8 (thôn Đặng và thôn Luông Doan). Để bảo đảm tiến độ, Ủy ban bầu cử xã đã thành lập các tiểu ban: Giúp việc; bảo đảm an ninh trật tự; tuyên truyền; giải quyết khiếu nại tố cáo.
Ngày bầu cử đang đến gần, trong khi ở nhiều thôn, bà con dân tộc thiểu số thường xuyên lao động xa nhà, tiểu ban tuyên truyền rà soát, nâng cấp chất lượng hệ thống truyền thanh cơ sở, kịp thời thông tin rộng rãi tiến trình cuộc bầu cử đến người dân. Ngoài ra, cán bộ ban công tác mặt trận, ban quản lý thôn, trưởng các đoàn thể ở cơ sở là những “tuyên truyền viên” trực tiếp gặp gỡ nhân dân, phổ biến về quyền và nghĩa vụ của cử tri, quy trình bầu cử.
Được biết, đến ngày 19/3, MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Từ ngày 21/3 đến 13/4, các đơn vị tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri với người ứng cử trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Để những thông tin cơ bản nhất liên quan đến Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND được truyền tải kịp thời, chính xác đến người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban MTTQ tỉnh đã biên soạn nội dung, in thành tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu gửi đến các huyện, TP.
Ngoài ra, Ủy ban bầu cử các cấp tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở đợt thi đua lao động sản xuất, tạo không khí sôi nổi hướng về ngày bầu cử; kịp thời phối hợp với cơ quan chuyên môn giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng quy định.
Ý kiến bạn đọc (0)