Bắc Giang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp
Tập trung cao điểm, dồn sức hoàn thành
Theo cơ quan chức năng, hiện nay các KCN cũ trên địa bàn tỉnh cơ bản được lấp đầy. Để có quỹ đất sạch thu hút dự án đầu tư mới, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã và đang phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng tập trung cao đẩy nhanh tiến độ GPMB các KCN mở rộng: Hòa Phú (Hiệp Hòa), Quang Châu (Việt Yên) và KCN thành lập mới: Tân Hưng (Lạng Giang), Yên Lư (Yên Dũng).
Tháng 5/2022, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Phú mở rộng được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư quy mô 85 ha tại hai xã Mai Đình và Hương Lâm. Công ty TNHH Hòa Phú Invest làm chủ đầu tư dự án. Ngay sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo huyện Hiệp Hòa phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền các cấp thực hiện GPMB dự án, phấn đấu cơ bản xong trong năm nay để bàn giao cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Thực hiện quy trình GPMB, đến nay, huyện đã kê kiểm đất đai của 860/1.172 hộ dân ở 6 thôn với diện tích hơn 50/85 ha. Số hộ còn lại đang được kê kiểm theo tiến độ. Riêng với phần diện tích người dân chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường; vướng mắc do khó xác định chủ sử dụng đất, huyện chỉ đạo các phòng chức năng, các xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân, kịp thời gỡ vướng".
![]() |
Công ty TNHH Hoà Phú Invest chi trả tiền bồi thường GPMB cho người dân thôn Nga Trại, xã Hương Lâm (Hiệp Hoà). |
Tìm hiểu được biết, những ngày này, UBND huyện và đơn vị chủ đầu tư hạ tầng đang tập trung cao điểm GPMB theo lộ trình. Theo ông Trần Sỹ Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phú Invest, diện tích kê kiểm hoàn thành xong đến đâu, đơn vị chi trả tiền bồi thường cho người dân đến đó. Phấn đấu hết năm nay, đơn vị chi trả xong 230 tỷ đồng cho các hộ theo kế hoạch. Ngay sau khi được bàn giao mặt bằng, Công ty sẽ đầu tư hạ tầng để kịp thời đón nhà đầu tư mới. Vừa nhận tiền bồi thường tại nhà văn hóa thôn, ông Chu Minh Soạn, thôn Vọng Giang, xã Mai Đình cho biết: “Gia đình tôi có gần 570 m2 đất nông nghiệp thuộc diện GPMB. Sau khi được cơ quan chuyên môn huyện, xã tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách bồi thường, gia đình tôi đã hiểu rõ và chấp hành nghiêm”.
Tại huyện Yên Dũng, sau khi được phê duyệt thành lập KCN Yên Lư quy mô 377 ha, địa phương bắt tay ngay vào GPMB. Theo kế hoạch của tỉnh, KCN này GPMB thành 3 đợt, hoàn thành vào tháng 1/2024. Năm nay, địa phương tập trung GPMB tại các thôn: Yên Hồng, Yên Tập Bắc, Yên Tập, Yên Tập Bến, Long Trường Vân. Thời điểm này, địa phương đã GPMB xong 57 ha. Hiện, cùng với hoàn thiện hồ sơ cho thuê đất đối với diện tích đã GPMB để gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện thu hồi, bồi thường GPMB thêm 14 ha đất, dự kiến xong trong năm nay theo đúng kế hoạch.
Tại KCN Tân Hưng, công tác GPMB cơ bản đã hoàn thành với diện tích đạt hơn 99%. Thời điểm này, UBND tỉnh đã cho phép chủ đầu tư thuê hơn 100 ha đất để xây dựng hạ tầng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Còn KCN Quang Châu mở rộng 90 ha, kế hoạch GPMB bắt đầu được triển khai theo lộ trình.
Không để chậm trễ do lỗi chủ quan
Tỉnh xác định phát triển công nghiệp làm trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do đó, việc tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Tại nhiều phiên họp thường kỳ UBND tỉnh, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiện nay tỉnh vẫn thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư. Để tháo “nút thắt” này, đồng chí yêu cầu các huyện có KCN khẩn trương dồn lực để đẩy nhanh tiến độ GPMB đối với phần diện tích còn lại của dự án KCN, sớm bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng. Không để xảy ra tình trạng chậm trễ do lỗi chủ quan từ phía các địa phương dẫn đến chưa thể có quỹ đất cho nhà đầu tư.
Với quyết tâm đó, đầu tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ công tác và tổ giúp việc để đôn đốc thực hiện GPMB các KCN thành lập giai đoạn 2022-2025. Đặc biệt, đối với từng dự án KCN, tỉnh đều ban hành kế hoạch GPMB cụ thể, chia làm một số đợt và yêu cầu thực hiện theo hình thức cuốn chiếu; định kỳ họp kiểm điểm tiến độ. Tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo để theo dõi, đôn đốc kết quả triển khai các dự án, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, có biện pháp xử lý từng trường hợp. Thực tế, ở hầu hết dự án GPMB vẫn có trường hợp khó xác định nguồn gốc đất, chuyển nhượng không đúng quy định, hộ dân chưa đồng thuận vì yêu cầu giá bồi thường cao hơn quy định. Gỡ vướng mắc này, tỉnh đã yêu cầu các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tuyên truyền, xác định nguồn gốc đất bảo đảm chính xác trước khi bồi thường.
![]() |
KCN Việt Hàn (Việt Yên) cơ bản hoàn thành GPMB. |
Thực hiện chỉ đạo trên, các huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang và Việt Yên đều thành lập Ban chỉ đạo GPMB do đồng chí Chủ tịch UBND huyện hoặc Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo thực hiện các dự án. Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, xác định GPMB KCN Yên Lư là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH nên địa phương phát động đợt cao điểm đối với công tác này trong ba tháng (8, 9, 10/2022). Huyện tăng cường cử cán bộ có kinh nghiệm GPMB bám sát cơ sở để theo sát dự án. Định kỳ mỗi tuần, huyện tổ chức kiểm điểm tiến độ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan từng trường hợp để cùng tháo gỡ.
Huyện Hiệp Hòa ban hành kế hoạch cao điểm GPMB KCN Hòa Phú bắt đầu từ ngày 15/9 đến hết 15/12. Huyện thành lập 6 tổ công tác do lãnh đạo các phòng, cơ quan chuyên môn làm tổ trưởng để vận động tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn. Hai huyện Lạng Giang, Việt Yên yêu cầu các tiểu ban GPMB ở các thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của dự án từ đó đồng thuận; phối hợp với xã, cơ quan chuyên môn của huyện rà soát, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất của hộ dân nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Bài, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)