"Ba bên" phối hợp bảo vệ rừng
Điểm sáng Yên Thế
Tháng 9, chúng tôi cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm Yên Thế và thành viên Đội bảo vệ rừng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Lộc (Công ty Trường Lộc) tuần tra rừng tự nhiên của doanh nghiệp này tại bản Chay, xã Canh Nậu (Yên Thế). Ông Nguyễn Văn Thanh, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng Công ty Trường Lộc cho biết, đội có 4 thành viên, chia làm 2 nhóm, trực 24/24 giờ tại chốt bảo vệ do doanh nghiệp xây dựng tại bản Chay.
![]() |
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Yên Thế cùng thành viên Đội bảo vệ rừng Công ty Trường Lộc tuần tra rừng tại khu vực bản Chay, xã Canh Nậu. |
Người ra, vào rừng được kiểm soát chặt chẽ. Cả đội thay phiên nhau tuần rừng ít nhất 2 buổi/tuần. “Để bảo vệ rừng hiệu quả, ngoài xây dựng chốt bảo vệ với nhiều tiện nghi sinh hoạt, trang bị công cụ hỗ trợ, đồng phục bảo hộ, Công ty còn hỗ trợ tiền ăn cho chúng tôi với mức 60 nghìn đồng/người/ngày. Do đó, anh em trong đội yên tâm làm nhiệm vụ”, ông Thanh nói.
Huyện Yên Thế có gần 820 ha rừng tự nhiên. Trong đó, Công ty Trường Lộc được giao quản lý, bảo vệ hơn 758 ha, tại các xã: Canh Nậu, Đồng Tiến và Xuân Lương. Diện tích còn lại do UBND một số xã và đơn vị quân đội, gia đình, cá nhân quản lý. Nhờ được quan tâm bảo vệ, rừng tự nhiên nơi đây ngày càng xanh tốt, thảm thực vật phong phú, giữ nguồn sinh thuỷ cho địa phương.
Đến giữa tháng 9, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 43 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khối lượng gỗ vi phạm hơn 15,8 m3. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 17 vụ và hơn 19,6 m3 gỗ vi phạm. Trong đó, có 12 vụ phá, khai thác và 4 vụ cháy rừng. |
Theo ông Nguyễn Bá Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thế, để bảo vệ tốt các diện tích rừng, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện Yên Thế ban hành các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Trong đó, yêu cầu 6 xã có rừng tự nhiên (gồm: Canh Nậu, Đồng Hưu, Đồng Tiến, Tam Hiệp, Tam Tiến, Xuân Lương) phải xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên. Chủ rừng là tổ chức nếu thiếu trách nhiệm, không chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, để xảy ra cháy rừng, phá rừng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời yêu cầu các chủ xưởng chế biến gỗ trên địa bàn ký cam kết không thu mua, chế biến gỗ rừng tự nhiên. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để PCD Covid-19 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện yêu cầu 100% cán bộ bám cơ sở, phối hợp với chính quyền các xã, chủ rừng tăng cường tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, Yên Thế không xảy ra vụ vi phạm về đốt, phá, lấn chiếm rừng tự nhiên.
Phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan
Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên như Yên Thế. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 43 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khối lượng gỗ vi phạm hơn 15,8 m3. Trong đó, có 16 vụ phá, khai thác và cháy rừng.
Còn lại là mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã và vi phạm thủ tục liên quan đến quản lý chế biến lâm sản. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 17 vụ và hơn 19,6 m3 gỗ vi phạm. Dù số vụ giảm nhưng diện tích rừng bị phá trong mỗi vụ lớn. Đặc biệt là các vụ phá, lấn chiếm đất rừng tại Lục Nam. Nguyên nhân là do các chủ rừng đã buông lỏng quản lý. Nhiều chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình còn tự ý phát, phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế.
Trước thực tế này, Hạt Kiểm lâm các huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng điều tra, làm rõ nhiều vụ việc. Những cá nhân gây ra các vụ phá rừng tại thôn Náng, xã Thanh Luận (Sơn Động); thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn (Lục Nam); cháy rừng tại thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng)... đã bị xử phạt hành chính.
Trong tháng 8/2021, Hạt Kiểm lâm Lục Nam đã khởi tố hình sự đối với vụ phá rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn quản lý tại thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Lục Nam đã khởi tố hình sự vụ phá rừng tự nhiên được Nhà nước giao cho người dân quản lý, bảo vệ tại thôn Văn Non, xã Lục Sơn để điều tra, xử lý.
Nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, Huyện ủy Lục Nam vừa ban hành Nghị quyết tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chủ rừng và người dân địa phương; không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng rừng kinh tế; kiên quyết xử lý nghiêm chủ rừng để xảy ra cháy, phá, khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép; triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách của T.Ư, tỉnh nhằm huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Cùng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 31/01/2018 của UBND tỉnh, Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương thì nơi đó rừng được bảo vệ tốt và phát huy hiệu quả. Do đó, các địa phương cần tăng cường phối hợp giữa 3 chủ thể này, tích cực tuần tra, kiểm soát, sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng thì rừng mới được bảo vệ và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)