Tranh chấp đất rừng giữa người dân với các công ty lâm nghiệp: Cấp bách xử lý vi phạm
Nhiều doanh nghiệp bị xâm lấn đất rừng
Ông Trần Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn (Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn) cho biết, DN được UBND tỉnh giao quản lý hơn 2,4 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có 780,4 ha đất rừng trồng, còn lại là rừng tự nhiên. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 10 vụ đốt, phá lấn chiếm đất rừng của DN tại các xã: Lục Sơn, Vô Tranh (Lục Nam).
![]() |
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Nam dựng biển cấm người ra vào hiện trường vụ phá rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn xảy ra ngày 17/6 tại xã Lục Sơn. |
Tổng diện tích bị người dân lấn chiếm, trồng cây là 21 ha. Vụ phá rừng tự nhiên có quy mô và diện tích lớn nhất xảy ra ngày 17/6 tại khu vực Đá Gay, khoảnh 54, thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn. Diện tích đốt phá hơn 10 ha, diện tích bị cháy hoàn toàn 5,1 ha (chưa bị người dân trồng keo và bạch đàn). Giai đoạn từ năm 2010-2020, DN bị người dân lấn chiếm gần 337 ha đất rừng (gồm 60,8 ha đất rừng trồng và hơn 276 ha rừng tự nhiên).
Ông Huy nói: “Người dân vẫn thừa nhận diện tích đất mình lấn chiếm thuộc sở hữu của DN nhưng đòi được đầu tư trồng rừng kinh tế và chia lợi nhuận. Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý rừng tự nhiên và đòi lại diện tích bị lấn chiếm”.
Tương tự, trước năm 2020 Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt bị người dân xã Đèo Gia (Lục Ngạn) lấn chiếm và trồng cây trái phép với diện tích hơn 484/782,6 ha. 6 tháng đầu năm nay, người dân xã Đèo Gia lại tiếp tục chiếm 1,9 ha rừng của DN trồng từ năm 2018-2019.
Ông Lê Hồng Khoa, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn cho biết, từ đầu năm đến nay, DN bị người dân các xã: Hộ Đáp, Sơn Hải, Phong Vân… lấn hàng chục nghìn m2 đất rừng để trồng cây ăn quả và lấy gỗ. “Các vụ việc lấn chiếm gây mâu thuẫn giữa DN với người dân, khó khăn trong quản lý đất đai, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự”, ông Khoa phản ánh.
Bắc Giang có 7 DN được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ, kinh doanh từ hàng trăm đến hơn 2 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. |
Không xảy ra lấn chiếm, phát, phá rừng quy mô lớn như các DN trồng rừng nêu trên nhưng Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế lại đang phải liên tục khởi kiện các cá nhân nhận khoán trồng rừng với DN từ nhiều năm qua. Bởi sau khi kết thúc hợp đồng, nhiều hộ không trả lại đất cho đơn vị, tranh chấp kéo dài. Hiện DN có 6 vụ việc đã xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật; 4 vụ việc tòa án đã thụ lý, có quyết định đưa vụ án ra xét xử và 5 vụ đã nộp hồ sơ khởi kiện nhưng chưa thụ lý.
Bắc Giang có 7 DN lớn được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ, kinh doanh từ hàng trăm cho đến hơn 2 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, hầu hết các DN này đều bị người dân lấn chiến đất, rừng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của DN và an ninh, trật tự địa phương.
Cùng tháo gỡ khó khăn
Việc tranh chấp đất rừng với các DN diễn ra từ lâu. Nguyên nhân chính là do các chủ rừng không đủ năng lực quản lý, bảo vệ diện tích được giao. Người dân cố tình vi phạm bởi hoạt động trồng rừng kinh tế mang lại hiệu quả cao. Việc chuyển đổi mô hình của các công ty lâm nghiệp diễn ra chậm khiến nhiều người dân lợi dụng để lấn chiếm đất rừng...
Trước thực trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 1/11/2017 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 31/1/2018 để cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết vào thực tế. Theo đó, người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị có rừng phải chịu trách nhiệm chính khi có vi phạm xảy ra.
Thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch trên, việc phát, phá, lấn chiếm rừng tự nhiên giảm rõ rệt, từ hàng trăm vụ năm 2016 đến năm 2020 giảm còn dưới 10 vụ. Tuy nhiên, việc “gặm nhấm” vẫn diễn ra âm thầm, đặc biệt là diện tích đất rừng do DN quản lý.
Ông Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Nam cho biết, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp; yêu cầu cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở nâng cao trách nhiệm giải quyết tranh chấp đất, rừng.
Đối với các DN lâm nghiệp, huyện yêu cầu khẩn trương kiểm tra, rà soát, điều chỉnh phương án sử dụng đất, sản xuất, kinh doanh đối với toàn bộ diện tích đất rừng được giao, cho thuê, phù hợp với giai đoạn hiện nay, trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Nhằm giúp Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn sớm chấm dứt tình trạng bị người dân phá, lấn chiếm đất, rừng, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Lục Nam cùng các bên liên quan tham mưu thu hồi khoảng 700 ha rừng tự nhiên của DN này tại xã Lục Sơn, giao cho Ban Quản lý Bảo tồn Tây Yên Tử quản lý.
Dù vậy, để các DN trong lĩnh vực lâm nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành chức năng trong tuyên truyền, quản lý rừng và xử lý vi phạm. Đặc biệt, người dân sống gần rừng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm Luật Đất đai và Lâm nghiệp.
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)