Anh Nguyễn Văn Thức: Cán bộ Đoàn dám nghĩ, dám làm
Kiên trì theo đuổi nghề nông
Tốt nghiệp chuyên ngành Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên năm 2015, anh Thức trở về quê hương và bén duyên với công tác Đoàn từ đó tới nay. Anh chia sẻ: “Mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, lợi thế duy nhất là sức trẻ. Tôi luôn quan niệm, muốn hoạt động Đoàn hiệu quả, thu hút, tập hợp được nhiều đoàn viên thanh niên thì trước hết bản thân phải là người đi trước, làm thật".
Gắn bó với đồng đất quê hương, anh Thức nhận thấy địa phương có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cho phát triển nông nghiệp song người dân vẫn canh tác theo cách truyền thống, năm nào mưa nắng thất thường thì không thu hoạch được là bao. Nhận thấy thị trường có nhu cầu cao về nông sản sạch, anh lên mạng tự tìm hiểu các mô hình trồng rau công nghệ cao của Thái Lan, Trung Quốc.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Thức giới thiệu sản phẩm măng tây tại cửa hàng nông sản sạch. |
Nghĩ là làm, năm 2017, anh dốc toàn bộ vốn liếng thuê 2.000 m2 đất, làm nhà màng và trồng một số cây rau quen thuộc như: Hành, cà chua, su hào. Do chưa có kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng chậm phát triển, năng suất thấp, vụ đầu tiên gần như mất trắng. Không nản chí, anh tiếp tục học hỏi, thay đổi. Từ chương trình “Chuyến xe khởi nghiệp” của Tỉnh đoàn, anh có dịp đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều mô hình trồng rau công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại nhiều tỉnh, TP.
Đi đến đâu, vỡ ra đến đó, từ năm 2018, anh chọn hướng đi hoàn toàn mới, chuyển toàn bộ diện tích sang trồng dưa lưới, dưa chuột, dưa kim cô nương. Nỗ lực của anh được đền đáp, ngay vụ đầu tiên, dưa cho năng suất cao, quả to đều, ngọt. Mỗi năm, anh Thức lại mở rộng mô hình một chút, hiện tổng diện tích trồng dưa lên 1 ha. Không chỉ làm giàu cho mình, anh sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật canh tác, tư vấn về giống, vốn cho bà con và thanh niên địa phương. Hiện ở xã Bảo Đài đã có 12 mô hình do anh hỗ trợ khởi nghiệp thành công.
Bao tiêu nông sản
Đến nay, anh Thức vẫn nhớ những thời điểm dù dày công chăm sóc song dưa không có người mua, có khi phải đổ bỏ. Không bỏ cuộc, nhờ giới thiệu của những người đi trước, anh mạnh dạn đưa nông sản ra chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) bán, đồng thời tiếp cận một số nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, anh đầu tư mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch đầu tiên tại thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), bán các mặt hàng như: Măng tây, dưa lưới, dưa lê, dưa chuột...
Để đưa sản phẩm vào cửa hàng, nông dân cần cam kết tuân thủ canh tác theo hướng an toàn. Khi bày bán, trên mỗi sản phẩm đều được gắn mã QR để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Bằng cách làm bài bản đó, đến nay, hệ thống thực phẩm sạch của anh Thức có 4 cửa hàng tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Doanh thu mỗi tháng 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương với thu nhập từ 5,5 - 8 triệu đồng/tháng.
Khi việc kinh doanh đang thuận lợi thì năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cửa hàng của anh phải đóng cửa. Nông sản đang vào vụ thu hoạch có nguy cơ đổ bỏ. Anh Thức chủ động đăng ký tham gia luồng xanh, ưu tiên vận chuyển nông sản tới một số tỉnh lân cận tiêu thụ; đồng thời kêu gọi tổ chức Đoàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh hỗ trợ. Nhờ vậy, hàng trăm tấn dưa hấu, dưa lưới và hàng chục nghìn quả trứng gà đã được vận chuyển, tiêu thụ hết.
Anh Thức chia sẻ, mọi thành quả hôm nay có được đều do nỗ lực của chính bản thân, sự tin tưởng của người thân, bạn bè và hỗ trợ của tổ chức Đoàn và mong muốn, những việc làm của mình sẽ mang lại cảm hứng cho nhiều thanh niên. Thời gian tới, anh dự định mở rộng chuỗi cửa hàng để góp phần đưa nông sản của người nông dân quê mình đến với người tiêu dùng. Đồng thời, anh tiếp tục đa dạng loại cây trồng và thử sức ở mặt hàng cây cảnh văn phòng.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Ý kiến bạn đọc (0)