Ấm tình tổ dân vận cộng đồng
Bảo vệ xóm làng, vượt qua dịch bệnh
Những ngày cuối năm 2021, tôi có dịp thăm thôn Ngọt và Quý Thịnh. Thời điểm này, khắp các vườn đồi nơi đây ngập sắc vàng, đỏ của cam, bưởi đang vào thu hoạch rộ. Bên các nếp nhà sáng màu sơn mới, hoa đào sớm đã khoe sắc hồng tươi. Năm 2021, Quý Sơn và Hồng Giang đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao nên cảnh quan, vườn, ruộng của thôn Ngọt và Quý Thịnh đều gọn gàng, sạch đẹp.
Đường hoa dọc các tuyến giao thông trong thôn cắt tỉa gọn gàng. Cổng nhà nào cũng trồng hoa leo trang trí. Cùng với hệ thống điện chiếu sáng, loa truyền thanh, thôn Ngọt và Quý Thịnh còn vận động bà con góp hàng chục triệu đồng lắp thêm gần chục camera an ninh chung tại các cửa ngõ chính vào thôn, truyền hình ảnh trực tiếp đến điện thoại của các thành viên Ban Quản lý thôn để tiện theo dõi mọi hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, người dân 2 thôn còn tự bỏ gần 300 triệu đồng lắp thêm hơn 120 camera an ninh tại các hộ. Nhờ đó, an ninh địa bàn 2 thôn luôn được bảo đảm.
![]() |
Thành viên Tổ dân vận cộng đồng số 2, thôn Quý Thịnh tới nhà dân tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. |
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Quý Thịnh Hoàng Văn Quyền cho biết, thôn có 109 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu. Địa bàn rộng, các hộ ở rải rác, chủ yếu trồng cây ăn quả nên thôn phải thành lập 4 tổ DVCĐ. Mỗi tổ có 3 thành viên, phụ trách hơn 25 hộ mới quán xuyến hết địa bàn. Có kinh nghiệm tổ chức hoạt động từ các tổ Covid cộng đồng trước đó nên việc triển khai các nhiệm vụ mới của tổ DVCĐ khá thuận lợi. Bởi người dân đã hiểu công việc và hiệu quả phòng, chống dịch, bảo vệ an ninh từ khi thôn lập các tổ Covid cộng đồng.
Anh Quyền nhớ lại, năm 2021, thôn Quý Thịnh 2 lần phải lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Thành viên các tổ Covid cộng đồng đã làm việc không quản ngày đêm kiểm soát, ngăn ngừa dịch xâm nhập, lây lan. Ngoài phát thông báo trên loa truyền thanh, các tổ còn đến từng nhà yêu cầu người dân thực hiện 5K. Đồng thời vận động bà con hỗ trợ, giúp đỡ nhu yếu phẩm trị giá gần 100 triệu đồng cho các gia đình bị cách ly bảo đảm cuộc sống và thu hoạch, tiêu thụ trái cây.
Chia sẻ về những quan tâm, giúp đỡ của tổ DVCĐ và người dân ông Nguyễn Văn Việt, thôn Quý Thịnh (có con dâu là công nhân tại Việt Yên bị F0 nhưng cách ly tại nhà) cảm động nói: “Trong hoạn nạn mới thấy tấm lòng của các cấp chính quyền, bà con lối xóm và tổ DVCĐ. Nhờ được giúp đỡ, động viên mà gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác đã an toàn vượt qua dịch bệnh”.
Cùng cách thức hoạt động như các tổ DVCĐ thôn Quý Thịnh nên trong tháng 12 vừa qua dù địa bàn thôn Ngọt có 2 F0, 21 F1 nhưng các tổ DVCĐ đã phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng dập dịch trong 1 tuần, góp phần giúp bà con tiêu thụ cam, bưởi thuận lợi.
Giữ gìn bản sắc văn hoá, lan toả mô hình
Thôn Ngọt có 147 hộ, gần 640 nhân khẩu với 5 dân tộc, gồm: Sán Dìu (chiếm số đông), Kinh, Nùng, Dao, Hoa. Do đó, nhiệm vụ bảo tồn văn hoá đồng bào dân tộc luôn được các tổ DVCĐ chú trọng, tuyên truyền. Sau khi cùng Ban Quản lý và đại diện các tổ DVCĐ thôn Ngọt khảo sát tình hình sản xuất, duy trì thôn kiểu mẫu, bảo đảm an ninh trật tự, chúng tôi thăm hộ bà Leo Thị Năm (dân tộc Sán Dìu) - một trong những “cây văn nghệ” trong thôn.
![]() |
Bà Leo Thị Năm dạy lớp trẻ trong thôn hát dân ca dân tộc Sán Dìu. |
Mới đến cổng nhà đã nghe tiếng bà Năm dạy lớp trẻ hát vọng ra. Bà chia sẻ: “Duy trì các làn điệu dân ca cổ là nhớ về nguồn cội và bảo tồn văn hoá dân tộc. Đây cũng là 1 trong 4 nhiệm vụ mà tổ DVCĐ đã tuyên truyền nên nhiều bà con tuần nào cũng hăng say tập luyện. Mong con cháu sau này mãi phát huy”. Hiện xã Hồng Giang có 1 câu lạc bộ hát dân ca với 54 thành viên (riêng thôn Ngọt có 18 người) do ông Chu Văn Sìn, thôn Ngọt làm chủ nhiệm. Là một trong những thôn dẫn đầu về mọi mặt đời sống, văn hoá nên cuối tháng 12/2021, thôn Ngọt được Đài Truyền hình Việt Nam chọn tham gia Chương trình “Làng vui” để phát sóng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Phát huy hiệu quả hoạt động của tổ Covid cộng đồng, tình hình an ninh trật tự, phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân tốt nên năm 2021 thôn Ngọt và Quý Thịnh được huyện Lục Ngạn chọn xây dựng điểm mô hình “Tổ DVCĐ”.
Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, các tổ DVCĐ của Lục Ngạn đã và đang góp phần cho cuộc sống của đồng bào nơi đây ngày càng đổi mới; người dân tin yêu hơn vào những chủ trương của cấp uỷ, chính quyền. |
Trong đó, thôn Ngọt thành lập 3 tổ, Quý Thịnh thành lập 4 tổ. Thành viên là cán bộ thôn, các đoàn thể, tình nguyện viên. Mỗi tổ phụ trách từ 25-50 hộ. Ngoài được tập huấn, trang bị kiến thức phòng, chống dịch, thành viên các tổ DVCĐ được trang bị công cụ hỗ trợ để tuần tra.
Đồng thời mỗi tổ thành lập 1 nhóm zalo riêng, có đại diện các hộ dân thuộc địa bàn theo dõi để trao đổi thông tin hai chiều và nắm tình hình biến động nhân, hộ khẩu hằng ngày, thuận lợi cho việc giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân. Các tổ DVCĐ thường xuyên phối hợp và gắn kết các nhiệm vụ của tổ với hoạt động của khu, cụm dân cư, truyền tải thông tin tuyên truyền và giám sát thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc dân tộc cùng nhiều thông tin cần thiết khác đến các hộ.
Bà Hoàng Thị Tám, thôn Ngọt tâm sự: “Từ khi có tổ Covid cộng đồng, nay là tổ DVCĐ người dân trong thôn càng thêm gắn kết, ai cũng muốn góp sức mình xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”.
Ông Lê Xuân Thắng, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Lục Ngạn cho biết, thời gian tới, công việc của tổ DVCĐ không chỉ dừng ở 4 nhóm nhiệm vụ: Tuyên truyền, giám sát phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ môi trường; tham gia giữ gìn an ninh trật tự; giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn tham gia nhiều nội dung khác do huyện và tỉnh đã đề ra, như: Vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình; giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá mới…
Ông Thắng nhìn nhận: “Hiệu quả hoạt động của mô hình tổ DVCĐ tại thôn Ngọt và Quý Thịnh là cơ sở để Huyện uỷ Lục Ngạn triển khai, nhân rộng ra toàn huyện thời gian tới”.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)