Xuất khẩu lao động trước tác động Covid-19
Đơn hàng giảm
Trao đổi với ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) được biết: Hiện nay, có khoảng 20 nghìn lao động Bắc Giang đang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông. Khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, có từ 3,7 đến 4,7 nghìn lao động xuất cảnh theo hợp đồng làm việc có thời hạn với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, lượng kiều hối do lao động gửi về góp phần không nhỏ vào phát triển KT-XH địa phương.
![]() |
Học viên Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO trong giờ thực hành. |
Vì vậy, trong mục tiêu giải quyết việc làm của tỉnh, hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài luôn được quan tâm. Thông thường đầu năm, hoạt động tuyển dụng và xuất cảnh sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc khá sôi động nhưng năm nay, do dịch bệnh, các đơn hàng đều sụt giảm. Người có nhu cầu đi e ngại đăng ký mà các đối tác nước ngoài cũng hạn chế tối đa việc tiếp nhận lao động, thực tập sinh ở quốc gia khác vào thời điểm này. Qua nắm bắt thông tin, các đơn hàng đi XKLĐ của một số DN trên địa bàn tỉnh sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ.
Công ty TNHH Lâm sản Việt Nam - Newzeland có trụ sở tại phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) là một trong hai DN được Bộ LĐTBXH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Sau khi chính thức có giấy phép (tháng 11-2018), công ty đầu tư gần 500 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp dãy nhà cũ thành khu ký túc xá và lớp học để chuẩn bị đón học viên. Năm 2019, DN tiếp tục được cấp giấy phép ở lĩnh vực tư vấn du học. “Do dịch bệnh, hiện công ty mới chỉ tiếp nhận hồ sơ, liên hệ với đối tác nước ngoài sơ tuyển và tổ chức dạy tiếng cho 3 học viên. Theo dự kiến ban đầu thì tháng 4 các em xuất cảnh nhưng thời điểm này, DN bên kia chưa thông tin cụ thể về kế hoạch tiếp nhận nên cả lãnh đạo công ty và lao động đều lo lắng”, bà Lê Thị Kim Loan, Chánh Văn phòng công ty chia sẻ.
Từ nhiều năm nay, chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc) là một trong những kênh XKLĐ hiệu quả của tỉnh. Trung bình mỗi năm, có từ 250-350 người xuất cảnh sang thị trường này. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc nên từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới có 26 lao động xuất cảnh, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Là một trong 49 người vượt qua kỳ thi tiếng Hàn đợt 1-2020, chị Lê Thị Nhung (SN 1997), thôn Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) cho hay: Hiện tôi đang được Sở LĐTBXH tổ chức khám sức khỏe, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ dự tuyển để DN nước bạn lựa chọn, nếu thuận lợi sẽ xuất cảnh vào khoảng tháng 5. Tuy nhiên tình hình như hiện nay, chắc chắn thời gian xuất cảnh sẽ bị lùi lại. Thậm chí, để bảo đảm an toàn, tôi cân nhắc sẽ đi vào năm sau”.
Ứng phó linh hoạt
Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh phấn đấu tạo việc làm mới cho 31 nghìn lao động, trong đó có 3,7 nghìn người đi XKLĐ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, yếu tố bảo đảm sức khỏe cho người lao động là quan trọng nhất nên các hoạt động tổ chức đưa người đi làm việc ở nước ngoài đều bị hạn chế.
Để duy trì thị trường XKLĐ giữa tâm dịch Covid-19, ngành LĐTBXH, các DN XKLĐ và người lao động đã có phương án khắc phục khó khăn trước mắt. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO cho biết: “Thay vì trực tiếp phỏng vấn như trước đây tại các đơn hàng từ Nhật Bản vì quốc gia này đang có dịch, công ty kết nối để nghiệp đoàn phỏng vấn học viên trực tuyến. Cùng đó giảm tối đa giờ học, kiểm tra trên lớp mà chủ yếu thông qua phần mềm ứng dụng do công ty tự xây dựng. Từ đầu năm đến nay, có 82 người nhập học và số đã xuất cảnh là 59 người, xấp xỉ kết quả cùng kỳ năm 2019”. Ngoài ra, Công ty tổ chức phun thuốc khử trùng trụ sở, đo thân nhiệt học viên trước khi lên lớp; bố trí dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay tại các khu vực sinh hoạt chung, phòng ở...
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, Sở đã có văn bản chỉ đạo 29 DN hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các nội dung: Không tổ chức đưa lao động đến các khu vực đang có dịch; tạm thời lùi thời gian xuất cảnh với người sang làm việc tại các nước có trường hợp nhiễm bệnh; trong trường hợp cần thiết xuất cảnh, người lao động cần phải được quán triệt để chủ động biện pháp phòng ngừa, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận. Cùng đó, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh tại các nước tiếp nhận lao động; đặc biệt, nắm tình hình, thông báo kịp thời với Sở LĐTBXH về các trường hợp đã xuất cảnh có triệu chứng nhiễm Covid-19.
Theo dự báo của Bộ LĐTBXH, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, các nước sẽ dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Vì vậy, giải pháp lâu dài là các địa phương, DN xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, linh hoạt; người lao động trong thời gian chờ đợi củng cố thêm kỹ năng nghề, vốn ngoại ngữ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đối tác, tạo nhiều cơ hội lựa chọn trong công việc. Đặc biệt, thực hiện tốt khâu rà soát, tổng hợp đánh giá để đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế; có thể linh hoạt liên kết với DN trong tỉnh để cung ứng lao động tại chỗ.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)