Xử lý vi phạm đất lúa, đất công ích: Vẫn thiếu kiên quyết
Xử lý chiếu lệ
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2017 đến nay, ở xã Vũ Xá (Lục Nam) có nhiều trường hợp tự ý xây dựng công trình trên đất lúa nhưng chính quyền địa phương chưa quyết liệt ngăn chặn, xử lý dứt điểm sai phạm.
![]() |
Công trình nhà ở của gia đình ông Nguyễn Văn Thu, thôn Đồng Công, xã Vũ Xá (Lục Nam) xây dựng trên đất lúa. |
Minh chứng là giữa năm 2018, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thương mại và Dịch vụ Việt Nhật tự xây dựng nhà điều hành, nhà bảo vệ phục vụ trạm trộn bê tông tươi rộng chừng 60m2 trên đất lúa. Sau khi phát hiện doanh nghiệp (DN) xây móng, UBND huyện xử phạt 30 triệu đồng, yêu cầu khôi phục hiện trạng đất trong vòng 10 ngày nhưng Công ty chỉ nộp phạt mà không khắc phục sai phạm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các công trình trên. Ngày 18- 10 - 2019, có mặt tại xã Vũ Xá, phóng viên thấy 2 công trình của DN vẫn tồn tại.
Đầu tháng 9 mới đây, xã Vũ Xá phát hiện ông Nguyễn Văn Thu làm móng nhà trên diện tích đất lúa tại cánh đồng Đồng Dinh, thôn Đồng Công song địa phương chưa có biện pháp mạnh tay ngăn chặn. Đến đây, phóng viên chứng kiến, móng nhà của gia đình ông Thu đã xây cao chừng 1m, dài hàng chục mét.
Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch UBND xã cho biết, khi gia đình ông Thu bắt đầu xây dựng móng nhà, địa phương đã kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu dừng thi công. Tuy vậy, tranh thủ sáng sớm hoặc chiều tối, ông Thu vẫn tiếp tục thuê thợ làm. Sau mỗi lần phát hiện ông Thu xây dựng thêm tường nhà, xã lại lập biên bản đình chỉ thi công. Ngày 7-10, xã kiểm tra vẫn thấy gia đình ông đang tiếp tục xây dựng công trình.
Như vậy có thể thấy, trước sai phạm của nhà ông Thu, UBND xã Vũ Xá chưa kiên quyết ngăn chặn để sai phạm kéo dài hơn một tháng qua. Đặc biệt, đến nay địa phương chưa ban hành quyết định xử phạt trước sai phạm này, buộc khôi phục hiện trạng đất lúa mà chỉ lập biên bản và yêu cầu dừng thi công. Điều này khiến vi phạm ngày càng diễn biến phức tạp, khó xử lý.
Tương tự, tại thôn Trung và thôn Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cũng xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình tự ý xây dựng công trình phụ trên đất công ích. Mỗi công trình rộng chừng 15-20 m2 nhưng UBND xã chưa xử phạt, buộc các hộ tháo dỡ, thu hồi lại đất mà chỉ nhắc nhở. Ví như trường hợp của nhà ông Dương Văn Thành, thôn Trung xây công trình phụ rộng vài chục m2 lấn đất ao ngay sát trục đường thôn nhưng xã không kịp thời ngăn chặn.
Tình trạng DN, hộ dân xây dựng công trình trên đất lúa, đất công ích song chính quyền cấp xã, huyện xử lý thiếu quyết liệt, khiến sai phạm kéo dài còn xảy ra tại huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên…
Theo số liệu rà soát chưa đầy đủ của các địa phương, đến nay toàn tỉnh có khoảng 20 DN, hộ gia đình xâm lấn đất lúa, đất công ích làm nhà, xưởng sản xuất gỗ, sửa chữa ô tô, xây dựng lán trại, công trình chăn nuôi, trồng cây lâu năm, đào ao… nhưng chưa được chính quyền, ngành chức năng xử lý dứt điểm, yêu cầu trả lại hiện trạng đất.
Không để “nhờn luật”
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 165- TB/TU ngày 30-3-2017, để siết chặt công tác quản lý đất đai, các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn mỗi tuần tổ chức kiểm tra hiện trạng đất đai ít nhất 1 lần, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm vi phạm.
Theo số liệu rà soát chưa đầy đủ của các địa phương đến nay toàn tỉnh có khoảng 20 DN, hộ gia đình xâm lấn đất lúa, đất công ích làm nhà, xưởng sản xuất gỗ, sửa chữa ô tô, xây dựng lán trại, công trình chăn nuôi, trồng cây lâu năm, đào ao… nhưng chưa được chính quyền, ngành chức năng xử lý dứt điểm, yêu cầu trả lại hiện trạng đất.
|
Việc các địa phương chưa kiên quyết xử lý vi phạm về đất đai, để kéo dài như trên là do cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện làm ngơ, bao che vi phạm.
Lý giải về việc để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm mà chưa bị xử lý, ông Thân Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Nội Hoàng cho rằng, do các hộ đã xây dựng công trình từ lâu nên xã chỉ rà soát danh sách để quản lý. Khi nào địa phương cải tạo lại hồ sẽ thu lại diện tích đất vi phạm của các hộ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc sử dụng đất lúa không đúng mục đích đã làm thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lúa của địa phương; đồng thời làm đất bị biến dạng, thoái hóa, khó khôi phục lại độ dày của tầng canh tác. Việc lấn đất công ích sẽ gây khó khăn khi Nhà nước thu hồi đất vì các hộ có thể sẽ đòi đền bù giải phóng mặt bằng.
Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất lúa của tỉnh để tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, không để phát sinh vi phạm mới. Đồng thời đề nghị các huyện, TP xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, buộc trả lại hiện trạng đất lúa.
Nhiều ý kiến đề nghị các huyện, TP cần khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất, kịp thời xử lý dứt điểm vi phạm khi manh nha. Đặc biệt, các huyện, TP quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp xã, lấy đó làm tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm.
Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: “Tới đây UBND huyện tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm cán bộ cơ sở để xảy ra tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích đất lúa. Đồng thời chỉ đạo các xã vận động hộ dân tháo dỡ công trình vi phạm, nếu cố tình, huyện sẽ cưỡng chế theo quy định”. Đi liền với giải pháp trên, các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ cơ sở về Luật Đất đai.
Tú Linh
Ý kiến bạn đọc (0)