Xử lý trẻ vị thành niên phạm tội: Tuyên truyền, giáo dục là chính
Hưởng án treo, tiếp tục đi học
Phạm Văn H (SN 2004) ở thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là học sinh giỏi, lớp trưởng nhiều năm liền. Bố mẹ, thầy cô không ai nghĩ đến việc H lại tham gia buôn bán pháo nổ, bị TAND huyện Lạng Giang tuyên phạt 12 tháng tù treo vì phạm tội “Buôn bán hàng cấm”.
![]() |
TAND huyện Việt Yên xét xử vụ án "Trộm cắp tài sản" có bị cáo là trẻ vị thành niên. |
Được biết, một người anh họ nhờ H bán pháo trên Facebook cá nhân, vì muốn có thêm tiền chi tiêu Tết, H đã đồng ý mang 17kg pháo đến một địa điểm thuộc xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) để bán thì bị Công an huyện bắt quả tang. Hối hận trước việc làm của mình, em đã thành khẩn khai báo với cán bộ điều tra. Hiện nay, em tiếp tục việc học và được nhà trường quan tâm, động viên để em có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, tu dưỡng, học tập tốt.
Cách đây không lâu, Nguyễn Việt C (SN 2004) ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang) sang nhà bác họ chơi rồi nhanh tay, nhanh mắt trộm hai ví da, một con lợn đất với tổng số tiền 8,5 triệu đồng. Hành vi của C đã bị Viện KSND huyện truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” đang chờ ngày xét xử. Được biết, C bỏ học từ năm lớp 9.
Còn Chu Văn L (SN 2002) ở Việt Yên cũng tìm cách trộm cắp để có tiền phục vụ nhu cầu của bản thân. Đáng nói là L lại lên kế hoạch bài bản để thực hiện hành vi chứ không phải do bộc phát, nông nổi. Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Việt Yên, L thường sang nhà hàng xóm chơi nên biết rõ vị trí để đồ đạc, tài sản. Lợi dụng chủ nhà đi vắng, L lẻn vào nhà, sử dụng búa, dao phá két sắt, lấy trộm hơn 20 triệu đồng. Hối hận trước việc làm của bản thân, L đã đến cơ quan công an đầu thú, hoàn lại toàn bộ số tiền đã lấy, mức án nam sinh này phải nhận là 6 tháng tù treo.
Tìm hiểu ở những trẻ vị thành niên phạm tội cho thấy có điểm chung là hầu hết gia đình thiếu quan tâm, dạy dỗ, con cái không được uốn nắn nhân cách từ nhỏ. Mặt khác, trẻ mới lớn ngày nay được tiếp xúc nhiều với công nghệ, Internet. Điều này như con dao hai lưỡi khi những nội dung không lành mạnh đã ảnh hưởng, tác động rất lớn đến hành vi, tâm lý của trẻ. Nhiều trường hợp có tiền án, tiền sự về thực hiện hành vi nguy hiểm như giết người, buôn bán ma túy, lừa đảo, hiếp dâm...
Hạn chế ảnh hưởng tâm lý
Với trẻ vị thành niên phạm tội, cơ quan chức năng đều có những cách giải quyết hợp lý, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa tránh ảnh hưởng đến tâm lý tuổi mới lớn.
Nguyên tắc xử lý: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. |
Ông Lê Đình Tuấn, Viện trưởng Viện KSND huyện Lạng Giang cho hay: “Hằng năm, các kiểm sát viên đều được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, được bồi dưỡng kiến thức tâm lý học.
Mỗi khi giải quyết vụ án, chúng tôi đều chỉ đạo kiểm sát viên khi gặp gỡ bị can, bị hại là trẻ vị thành niên phải đặt câu hỏi dễ hiểu, hỏi không quá 3 lần mỗi ngày, mỗi lần không quá 3 tiếng. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật”.
Quá trình xét xử, các tòa án hai cấp trên địa bàn tỉnh đều bố trí phòng xét xử thân thiện, thẩm phán không mặc áo choàng, tạo cảm giác gần gũi. Các phiên tòa có đầy đủ thành phần là người đại diện của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt.
Đối với các vụ xâm hại, việc xét xử càng phải được tổ chức kín đáo. Phạm Văn H phạm tội “Buôn bán hàng cấm” nói trên cho biết: “Tại phiên tòa, em nhận được sự quan tâm của nhiều người. Khi Hội đồng xét xử hỏi, em mới nhận thấy mình thiếu hiểu biết pháp luật nên đã vi phạm. Em rất xấu hổ, hối hận, sẽ quyết tâm sửa chữa lỗi lầm”.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)