Xông pha trên tuyến đầu
Giữ từng hơi thở cho bệnh nhân Covid-19
Không quản ngại nguy hiểm, biền biệt xa nhà từ tháng 5/2021 đến nay, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hương (SN 1985), Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã ngày đêm làm việc với cường độ cao từ tâm dịch Bắc Giang đến vùng dịch trọng điểm của TP Hồ Chí Minh.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hương tại khu cách ly thuộc Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Đợt dịch thứ 4 bùng phát vào tháng 5/2021, Bắc Giang trở thành “điểm nóng” của cả nước với số ca mắc liên tục tăng cao. Bác sĩ Hương là một trong số những nhân viên y tế đầu tiên được cử vào điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Có chuyên môn sâu về lĩnh vực truyền nhiễm nhưng chưa từng chăm sóc người bệnh Covid-19 nên chị phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành.
Thời điểm đó, bệnh nhân nhập viện dồn dập, nhiều trường hợp viêm phổi, khó thở, chị cùng các bác sĩ, điều dưỡng luôn theo dõi chặt chẽ từng ca bệnh để kịp thời cứu chữa, không để người bệnh diễn biến nặng thêm. Sau vài tuần, chị đã nhanh chóng rút kinh nghiệm trong hội chẩn, chỉ định phác đồ điều trị hiệu quả ngăn chặn bệnh nhân mắc hội chứng giải phóng cytokine (hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2 dẫn đến phản ứng viêm toàn cơ thể).
Dịch tiếp tục bùng phát mạnh, tỉnh Bắc Giang khẩn trương thành lập Bệnh viện dã chiến số 1. Là một trong những bác sĩ điều trị Covid-19 hiệu quả, chị được điều động sang Bệnh viện dã chiến số 1 làm kíp trưởng kíp điều trị tại đây.
Chiếm trọn suy nghĩ của chị và mọi nhân viên y tế trong khu điều trị là cố gắng giữ cho bệnh nhân không bị tổn thương phổi, suy hô hấp. Dù ở đây chủ yếu là người nhiễm bệnh thể nhẹ nhưng chị luôn phải theo sát các dấu hiệu thay đổi triệu chứng, kết hợp với đánh giá thể trạng từng ca bệnh để xác định hướng điều trị phù hợp.
Thời điểm duy trì hoạt động, Bệnh viện dã chiến số 1 thường có khoảng 200 bệnh nhân. Để người bệnh khỏe mạnh trở lại, các bác sĩ, điều dưỡng không quản ngại vất vả, luôn động viên nhau cùng cố gắng. Niềm vui lớn đến với chị và đồng nghiệp khi lần lượt bệnh nhân ở đây được ra viện. Bệnh viện dã chiến số 1 hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao lại cơ sở vật chất cho Bệnh viện Nội tiết tỉnh.
Tháng 7/2021, dịch bệnh ở Bắc Giang giảm nhưng lại bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, TP phía Nam. Hai ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1, chị Hương xung phong vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch.
Tại đây, chị được bố trí làm việc trong Bệnh viện dã chiến số 5, tòa nhà The Garden Mall, quận 5. Đây là khu thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ. So với Bắc Giang, khối lượng công việc, áp lực điều trị, nguy cơ lây nhiễm ở TP Hồ Chí Minh cao gấp nhiều lần. Mặc dù bệnh viện chia nhân lực điều trị mỗi ngày theo ba ca nhưng hầu như các bác sĩ, điều dưỡng đều làm việc liên tục, không nghỉ thay ca để hỗ trợ lẫn nhau ứng phó với tình trạng quá tải bệnh nhân.
Trở về từ TP Hồ Chí Minh, chị lại tiếp tục nhận nhiệm vụ tại khu điều trị Covid-19, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Từ tháng 10 đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều bệnh nhân nhập viện. Thời tiết lạnh, khô khiến cho người bệnh vừa mắc Covid-19 vừa bội nhiễm với nhiều loại virus khác dẫn đến viêm đường hô hấp dưới, cần được hỗ trợ thở. Thực tế này khiến công việc của các bác sĩ, điều dưỡng vất vả hơn, phải tập trung cao hơn.
Để yên tâm công tác, chị gửi hai con nhỏ đang học tiểu học về nhà ông, bà ngoại ở xã An Hà (Lạng Giang). Tháng 11/2021, xã An Hà cũng bị phong tỏa do xuất hiện nhiều ca nhiễm tại cộng đồng. Chị cũng như bao người phụ nữ khác nóng lòng hướng về quê nhà, nơi có gia đình, người thân đang sống trong vùng dịch. Là bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm nhưng chị cũng không giúp gì được cho người thân, chỉ biết gọi điện dặn dò mọi người giữ gìn sức khỏe, thực hiện 5K, ở yên trong nhà trong những ngày giãn cách. Nỗi niềm của chị là tâm trạng chung của hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế đang ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch, gánh trên vai trách nhiệm của người chiến sĩ áo trắng, đành gác lại niềm riêng, dành hết tâm sức phục vụ người bệnh.
Ghi nhận những cống hiến thầm lặng của người thầy thuốc, tháng 8/2021, chị Hương là một trong hai nhân viên y tế của tỉnh Bắc Giang vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Trong đại dịch Covid-19, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh luôn phát huy tốt chức năng đội quân công tác. Đại úy Nguyễn Hữu Thao (SN 1982), Ban Tham mưu, Ban CHQS huyện Việt Yên là một trong những quân nhân điển hình.
![]() |
Đại úy Nguyễn Hữu Thao. |
Từ đầu năm 2021 đến nay, ba lần Đại úy Nguyễn Hữu Thao được đơn vị điều động thực hiện nhiệm vụ tại các khung cách ly phòng, chống dịch (PCD) với thời gian hơn 8 tháng. Mỗi lần dịch bùng phát, anh luôn xung phong lên tuyến đầu .
Gặp Đại úy Nguyễn Hữu Thao tại khung cách ly y tế thôn Bài Xanh, xã Vân Trung (Việt Yên), chúng tôi chứng kiến anh đang tất bật với công việc. Tranh thủ thời gian giải lao, anh Thao cho biết: “Hôm nay có 35 trường hợp hoàn thành cách ly nên chúng tôi đang thực hiện các thủ tục nhanh nhất để công dân trở về địa phương”. Ngay sau khi chia tay các công dân hoàn thành cách ly, anh Thao cùng
cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị những suất cơm trưa. Sang đầu giờ chiều, các anh lại bắt tay vào dọn dẹp, vệ sinh, sát khuẩn, khử trùng và bố trí phòng, giường để ngay trong buổi tối hôm đó tiếp đón thêm 30 công dân vào cách ly. Công việc cứ như vậy đến khuya. Có những hôm đón công dân xong gần 12 giờ đêm; lo mọi người đói các anh lại nấu những bát mì nóng đưa đến. Ở khung cách ly thường xuyên có 100 công dân nhưng chỉ có 5 cán bộ, chiến sĩ thực hiện các nhiệm vụ như chuẩn bị đồ dùng sinh hoạt, bố trí phòng nghỉ, vệ sinh khử khuẩn mỗi ngày; hỗ trợ tổ y tế đo thân nhiệt, xử lý tình huống nếu có công dân nghi nhiễm và bảo đảm an toàn khung cách ly.
Thượng tá Đỗ Văn Tài, Chính trị viên, Ban CHQS huyện Việt Yên nói: “Nhiệm vụ tại khung cách ly vừa nguy hiểm lại gian khổ song các cán bộ, chiến sĩ không do dự khi nhận nhiệm vụ. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Hữu Thao đã ba lần tham gia phục vụ khung cách ly tại UBND thị trấn Nếnh (cũ); Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang và hiện nay tại xã Vân Trung. Đồng chí luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
![]() |
Đại úy Nguyễn Hữu Thao tham gia chuẩn bị bữa cơm cho công dân đang cách ly tại xã Vân Trung (Việt Yên). |
Được biết, Đại úy Nguyễn Hữu Thao có 2 con nhỏ, vợ anh công tác tại tỉnh Bắc Ninh. Gia đình 4 người đành phải ở ba nơi. Đại úy Nguyễn Hữu Thao cho biết: “Từ cuối tháng 1/2021, khi dịch bùng phát lần 3, rồi tiếp đến lần 4, với trách nhiệm của một quân nhân, tôi đã gác lại việc riêng, con nhỏ phải gửi ông, bà chăm sóc để tham gia chống dịch. Giờ chỉ mong sao sớm hết dịch bệnh, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường, để những người xa gia đình sớm được đoàn tụ”.
Với những cố gắng trong công tác, sự sáng tạo trong điều hành khung cách ly, năm 2021, Đại úy Nguyễn Hữu Thao được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Cuộc chiến không bao giờ quên
Thượng úy Trần Văn Thắng (SN 1990), Bí thư Đoàn cơ sở Cảnh sát cơ động Công an tỉnh là một trong nhiều thanh niên thuộc lực lượng công an lên tuyến đầu chống dịch. Tham gia vào lúc dịch ở giai đoạn cam go nhất, Thượng úy Thắng đã lan tỏa tinh thần xung kích đến nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ trong đơn vị.
![]() |
Thượng úy Trần Văn Thắng. |
Sáng sớm 26/5, nhận được lệnh của cấp trên, Thượng úy Thắng cùng 14 cán bộ, chiến sĩ trẻ tạm biệt gia đình tức tốc khởi hành, có mặt ở xã Vân Trung (Việt Yên) - tâm dịch nóng bỏng lúc bấy giờ. Giữa cái nắng như đổ lửa, anh đã thấy sự vất vả của các đoàn y, bác sĩ nên tự nhủ bản thân phải nỗ lực nhiều hơn trong cuộc chiến chống dịch cam go, khốc liệt.
Anh em chiến sĩ chia thành 4 tốp nhỏ trực chốt kiểm soát phòng dịch, tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự, vận chuyển thiết bị, nhu yếu phẩm. Bất kể đêm khuya, sớm tối, các anh đều có mặt khi chính quyền, người dân cần. Mọi điều kiện vật chất ở cơ sở thiếu thốn, cả đoàn công tác mượn tạm nhà công vụ của UBND xã Vân Trung làm nơi ngả lưng. Sàn gạch thay giường ngủ, ấy vậy mà chẳng ai than một lời.
Gần hai tháng (từ ngày 26/5 đến gần cuối tháng 7/2021) tham gia chống dịch Covid-19 ở Việt Yên, anh Thắng có những kỷ niệm đáng nhớ, từ đó hiểu hơn về tình người trong gian khó. Anh nhớ lại: "Một sớm cuối tháng 6, khi đang làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại nhà văn hóa thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung, tôi nhận được tin báo ở thôn Vân Cốc 3 có một tình nguyện viên bị tai biến. Lòng như lửa đốt, tôi và đồng đội nhanh chóng đến đưa nạn nhân ra ngoài".
Lúc này, anh Thắng liên hệ ngay với bác sĩ phụ trách của Trung tâm Y tế huyện Việt Yên để tiến hành sơ cứu ban đầu cho người bệnh. Anh trưng dụng xe ô tô của tình nguyện viên, trực tiếp lái xe dẫn đường qua các chốt kiểm soát PCD đưa bệnh nhân tới Trung tâm Y tế huyện cấp cứu trong thời điểm vàng. Nhờ đó, anh Thắng cùng đoàn tình nguyện đã góp phần cấp cứu nạn nhân thành công.
Năm 2021, Thượng úy Trần Văn Thắng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác PCD Covid-19. |
Có lúc cao điểm dịch, mỗi ngày, xã Vân Trung có từ 40 đến 60 F0, thậm chí hơn 100 ca. Vừa chứng kiến sự vất vả của các y, bác sĩ lại thấy hình ảnh những dãy nhà trọ cửa đóng, then cài khác hẳn với sự sôi động thường ngày, anh Thắng càng day dứt. “Mỗi khi đi tuần tra hay tham gia bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ bác sĩ lấy mẫu, đưa F0 đi điều trị, tôi không khỏi nghẹn ngào. Vì thế, chúng tôi tâm niệm cần cố gắng gấp đôi, gấp ba để chia sẻ khó khăn với những lực lượng tham gia trên tuyến đầu và nhân dân, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh", Thượng úy Trần Văn Thắng nói.
Trong những ngày tháng không quên đó, anh Thắng kịp thời tham mưu với cấp ủy, Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 xã Vân Trung triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng dập dịch. Anh tham gia vận chuyển lương thực cho người dân trong khu vực phong tỏa; tổ chức phát hành thẻ kiểm soát người ra, vào các chốt kiểm soát dịch... Sự nỗ lực của anh và đồng đội đã góp phần hỗ trợ địa phương khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
![]() |
Thượng úy Trần Văn Thắng hỗ trợ công tác PCD Covid-19 tại xã Vân Trung (Việt Yên). |
Minh Thu - Hữu Trình - Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)