Xe quá khổ, quá tải "qua mặt" chốt kiểm soát
“Voi lọt lỗ kim”
Tuyến đường tỉnh 242 đi qua các xã Đồng Hưu, Hương Vỹ, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế (Bắc Giang) là con đường “đau khổ” vì hàng trăm xe ô tô tải chở than, đá lặc lè hoạt động ngày đêm. Mặt đường bị băm nát, nhiều đoạn chỉ còn bùn đất, tạo thành rãnh sâu lầy lội. Anh N.M.C ở xã Hương Vỹ bức xúc nói: “Người dân đi ra đường rất sợ do xe lớn, thường xuyên chở quá tải, chạy tốc độ nhanh, không chú ý quan sát là có thể xảy ra tai nạn”.
![]() |
Ô tô chở than vượt quá thành thùng trên đường tỉnh 293 đoạn qua xã Trường Sơn (Lục Nam). |
Bám theo một số xe loại này, chúng tôi thấy phương tiện xuất phát từ mỏ đá thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn hoặc mỏ than Bố Hạ, các xe tải tỏa đi nhiều hướng như qua huyện Yên Thế đến huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên, TP Bắc Giang (Bắc Giang)… thậm chí sang cả tỉnh Thái Nguyên.
![]() Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý hơn 300 trường hợp, trong đó hơn 50 trường hợp chở hàng quá tải, gần 30 trường hợp xe quá khổ, 185 trường hợp cơi nới thành thùng, gần 40 trường hợp bạt che đậy thùng hàng không có tác dụng". Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông |
Đơn cử như chiếc xe mang BKS 21C-043.11 chở đá dăm bắt đầu vào tỉnh Bắc Giang qua đường 242 từ xã Đồng Hưu, tra cứu trên hệ thống được biết chủ phương tiện đăng ký tại tỉnh Yên Bái.
Sau khi xem những hình ảnh phóng viên cung cấp, nhiều cán bộ đăng kiểm nhận định chiếc xe có dấu hiệu khá rõ cải tạo thùng hàng, chở quá tải trọng. Chúng tôi đi sau chiếc xe cả quãng đường dài, vượt qua chốt kiểm tra lưu động của Công an huyện Yên Thế lúc đó đang hoạt động ở xã Hương Vỹ mà không thấy bất cứ động thái nào của lực lượng chức năng.
Trước đó, vẫn tổ công tác này (gồm 1 xe ô tô và 1 mô tô chuyên dụng) lập chốt ở ven đường 242 trên địa bàn thị trấn Bố Hạ nhưng cả đoàn xe ô tô thùng hàng cao ngất ngưởng, qua lại như mắc cửi nhưng không bị kiểm tra.
Tình trạng trên cũng xảy ra trên đường tỉnh 293 với nhiều xe chở than, tro xỉ từ khu vực thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động- Bắc Giang) và một số điểm khai thác than của huyện Lục Ngạn, Lục Nam (Bắc Giang). Anh L.V.Đ ở xã Trường Sơn (Lục Nam) phản ánh: “Những chiếc xe tải này mang BKS của nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Giang… Lái xe thường chở quá tải, quá khổ, chạy tốc độ cao ngay cả khi đi qua khu vực đông dân cư”.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chúng tôi ghi lại hình ảnh nhiều ô tô tải cơi nới thùng hàng, chở nặng lưu thông trên đường từ huyện Sơn Động đi các huyện Lục Ngạn, Lục Nam. Cụ thể là các xe: 98C-129.72, 98C-064.12, 29R-065.31, 14KT-000.38…
Khảo sát ở nhiều tuyến đường khác trong toàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông diễn ra phổ biến, bất chấp các quy định của pháp luật.
Cương quyết xử lý, quy rõ trách nhiệm
Qua làm việc, lực lượng chức năng cho rằng tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh là có song việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp, cá nhân hành nghề vận tải cố tình vi phạm, không chấp hành quy định pháp luật.
Theo Điều 24, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, xe chở vượt trọng tải trên 150% và cơi nới thành thùng, đối với cá nhân tổng mức bị phạt tối đa 32 triệu đồng, đối với tổ chức, doanh nghiệp tổng mức bị xử phạt lên đến 72 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm. |
Hiện nay, những quy định pháp luật về việc xử lý các phương tiện xe tải chở quá tải trọng được cho là đầy đủ, cụ thể và hình thức khá nặng. Do vậy không thể đổ lỗi khó khăn do thiếu chế tài.
Thiết nghĩ, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền các địa phương, nhất là những nơi có điểm mỏ, khai thác đất đá, vật liệu xây dựng, khoáng sản… Cán bộ ở những nơi này không thể không biết có tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động hay không. Nhưng vì lý do nào đó mà coi đây là việc của lực lượng chức năng, chưa chỉ đạo, giải quyết.
Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh, các huyện, TP và thanh tra giao thông cũng không thể vô can. Các tuyến đường trọng điểm thường xuyên có tổ, chốt kiểm tra, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1, cảnh sát giao thông tuần tra 24/24 giờ thì chắc chắn nắm rõ những xe vi phạm.
Việc các tổ công tác, chốt kiểm tra không xử lý xe quá khổ, quá tải, để lọt xe vi phạm có thể xem xét trách nhiệm đối với cán bộ thi hành công vụ. Nhiều người đặt câu hỏi, có hay không việc “bảo kê”, can thiệp để những xe quá khổ, quá tải hoạt động công khai trong thời gian dài.
Trong cuộc giao ban gần đây với lãnh đạo các huyện, TP, sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh phải kiên quyết xử lý xe quá khổ, quá tải. Thực hiện chỉ đạo đó, Công an tỉnh đã thu thập tài liệu, chứng cứ, hình ảnh của hơn 200 phương tiện hoạt động vận tải có dấu hiệu quá khổ, quá tải để làm căn cứ xử lý.
Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động, đã đến lúc cần thiết phải mạnh tay, cứng rắn với tình trạng xe quá khổ, quá tải phá hoại hệ thống giao thông, đe dọa an toàn giao thông và làm xói mòn niềm tin của người dân vào lực lượng, cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm soát, xử lý phương tiện vi phạm.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)