Xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi: Từng bước thu hẹp khoảng cách với miền xuôi
Diện mạo mới
Về xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) hôm nay, nhìn khung cảnh nhà cửa khang trang, đường bê tông sạch sẽ trải dài đến tất cả các ngõ xóm, cây cối xanh tươi, trù phú, ít tai nghĩ cách đây gần 3 năm, địa phương này vẫn là 1 trong 13 xã nghèo của huyện. Đưa chúng tôi tới thôn Du - thôn xa nhất của xã Đồng Cốc, Chủ tịch UBND xã Lưu Văn Phú chia sẻ: “Hơn 1 năm trước, nếu chỉ một trận mưa to là thôn Du sẽ rơi vào tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ấy vậy mà giờ đây ô tô có thể băng băng về tận thôn”.
![]() |
Nhà văn hóa thôn Trại Nhì, xã Hồng Kỳ (Yên Thế). |
Nói rồi, ông Phú cho biết thêm, xác định xây dựng NTM là “cú hích” để địa phương chuyển mình, khi có chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của thực hiện. Nhờ đó từ một xã “trắng” về đường bê tông (ngoại trừ tuyến đường trục chính của xã), đến nay, 100% đường trục xã, thôn, 98% đường ngõ xóm được cứng hóa; tất cả các thôn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,32%, giảm 61,72% so với năm 2011...góp phần đưa Đồng Cốc “cán đích” NTM năm 2020, sớm hơn kế hoạch 4 năm.
Tại các địa phương miền núi khác, giữa màu xanh của núi rừng, không khó để bặt gặp những tuyến đường bê tông uốn lượn qua những quả đồi hay ngôi nhà khang trang. Ghi nhận tại xã Huyền Sơn (Lục Nam) cho thấy, xác định phát triển nông nghiệp là động lực xây dựng đời sống mới, địa phương chủ trương chuyển đổi mạnh sang sản xuất hàng hóa với nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng cao như: Na dai, vải sớm, các loại cây rau màu khác…
Nhờ đó, năm 2020, Huyền Sơn được công nhận đạt chuẩn với một số tiêu chí ấn tượng như: 100% nhà văn hóa xã, thôn khang trang, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, nhân dân; toàn bộ đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa… Hay như ở bản Đồn, xã Canh Nậu (Yên Thế) cũng có 100% trục đường được cứng hóa, lắp điện chiếu sáng, 100% các hộ có nhà kiên cố, thu nhập bình quân đạt 47,4 triệu đồng/người/năm…
Ông Nguyễn Đình Tuyên, Trưởng Ban phát triển thôn Đồn nói: “Do phần đông dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên chúng tôi quan tâm tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, kêu gọi người dân chung tay góp sức dưới mọi hình thức trên cơ sở tự nguyện, từ đó tăng thêm nguồn lực xây dựng NTM”.
Thu hẹp khoảng cách vùng miền
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 124/184 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó chỉ có 29 xã thuộc địa bàn các huyện miền núi: Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Thế. Nguyên nhân do diện tích các xã ở miền núi rộng, dân cư phân bố rải rác, khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi.
Cùng đó, thu nhập người dân hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng đóng góp của người dân có hạn. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế chia sẻ: “Để thực hiện xây dựng NTM, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, huyện phải phát huy nội lực trong nhân dân. Tuy nhiên, với điều kiện của một huyện miền núi, địa bàn rộng, diện tích lớn, dân cư ở không tập trung, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn”.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 124/184 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó chỉ có 29 xã thuộc địa bàn các huyện miền núi: Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Thế. Để hỗ trợ các địa phương, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng cao, miền núi xây dựng NTM. |
Thực tế những năm qua, để tạo “cú hích” trong xây dựng NTM ở những địa bàn khó khăn, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ về sản xuất, công nghệ. Điển hình là các nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn các xã miền núi và xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn...
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh triển khai 11 dự án chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, đào tạo tập huấn cho người dân vùng nông thôn, miền núi với tổng kinh phí hơn 114 tỷ đồng. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh nói: “Giai đoạn 2021-2025, xây dựng NTM vẫn là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với nguồn hỗ trợ từ trên, tỉnh bố trí kinh phí, quan tâm hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, trong đó sẽ có những chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng cao, miền núi. Tuy nhiên để hoàn thành chương trình, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, mỗi người dân cần chung sức, từ đó tạo diện mạo mới ngay từ gia đình, ngõ xóm”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)