Xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang: Những kinh nghiệm từ thực tiễn
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Nghĩa: Từng bước "xóa" nghĩa trang tự phát
Theo tiêu chuẩn xây dựng NTM, mỗi xã chỉ nên bố trí một nghĩa trang nhân dân với các hình thức mai táng khác nhau. Đối với các xã có nhu cầu khác nhau theo từng dân tộc, tôn giáo thì nên bố trí thành các khu táng riêng biệt.
Tuy nhiên, thực tế các nghĩa trang có lịch sử ra đời và hình thành từ rất lâu, nơi nào có cộng đồng dân cư sinh sống tập trung thì nơi đó đều có sự hình thành các nghĩa trang và theo phong tục tập quán vùng miền, mỗi thôn gần như hình thành một nghĩa trang, do đó đã gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng. |
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt các địa phương cần phải chỉnh trang lại các nghĩa trang, bảo đảm các tiêu chí đã đề ra, như: Phải có hàng rào, lối đi thông thoáng, trồng cây xanh...; tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang, đặc biệt cần đề cao tinh thần tự giác của mỗi đảng viên.
Theo đó, đảng viên thuộc dòng họ, chi họ nào thì có trách nhiệm tuyên truyền, vận động dòng họ đó. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức họp bàn, đưa quy định về nếp sống văn hóa trong ma chay vào quy chế xét thi đua khen thưởng với các cơ sở thôn, làng và có chế tài, xử lý nghiêm những tổ chức, dòng họ, gia đình, cá nhân vi phạm.
Để bảo đảm chất lượng chương trình NTM, các địa phương cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quy hoạch nghĩa trang nhân dân, tránh để tình trạng quy hoạch là chuyện quy hoạch còn thực hiện hay không là chuyện “để đó”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Thân Minh Sâm: Hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện quan tâm chỉ đạo, yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức triển khai theo các quy mô khác nhau với sản phẩm hàng hóa đa dạng. Đến nay, toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại đạt 3 sao.
Tuy nhiên, qua đánh giá, một số sản phẩm hàng hóa quy mô sản xuất chưa tập trung, số lượng nhỏ lẻ, chủ yếu là sơ chế; việc tiêu thụ các sản phẩm gặp nhiều khó khăn, thiếu tính liên kết, chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm….
![]() |
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế. |
Để phát huy những ưu thế rõ nét của chương trình OCOP đối với phát triển kinh tế ở nông thôn, thời gian tới, cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, huyện quan tâm phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng theo hướng nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm OCOP; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì nhãn mác sản phẩm theo hướng sáng tạo, ấn tượng, có bản sắc riêng. Cùng đó, củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Linh hoạt trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách của trung ương, của tỉnh, của huyện hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP phù hợp với điều kiện trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn (Yên Dũng) Vũ Trí Văn: Phát huy dân chủ, vận động người dân chung tay xây dựng NTM
Bắt tay vào xây dựng xã NTM nâng cao, Đảng ủy, HĐND, UBND xã và Ban quản lý chương trình của xã Lãng Sơn tập trung cao cho công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu, thấy rõ trách nhiệm của mình trong hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Nhiều hoạt động thiết thực gắn với xây dựng NTM được thực hiện, nhận thức của cán bộ, nhân dân có chuyển biến rõ rệt, góp phần đưa Lãng Sơn trở thành một trong những địa phương được công nhận xã NTM nâng cao.
![]() |
Ông Vũ Trí Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn (Yên Dũng). |
Từ thực tế triển khai chương trình, chúng tôi nhận thấy phát huy dân chủ, tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay là “chìa khóa” để địa phương hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Quá trình triển khai, chúng tôi luôn coi việc xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó cấp uỷ, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quá trình thực hiện, người dân vừa là chủ thể vừa là người trực tiếp thụ hưởng thành quả.
Vì vậy, mọi hoạt động trong xây dựng NTM phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ của nhân dân, phát huy cao nhất trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia xây dựng NTM.
Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)