Xây dựng nông thôn mới: Lồng ghép nguồn vốn cho tiêu chí thủy lợi
Việt Yên (Bắc Giang) là huyện đầu tiên trong tỉnh về đích NTM. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được tưới tiêu nước chủ động đạt hơn 90%. Kênh, mương do cấp xã quản lý cứng hóa hơn 195 nghìn km, đạt 61,1%. Khi xây dựng NTM, địa phương xác định rõ những tiêu chí khó để tập trung vốn, nhân lực hoàn thiện; trong đó có tiêu chí số 3 (thủy lợi).
![]() |
Kênh mương ở xã Đại Hóa (Tân Yên) được cứng hóa. |
Nhờ huy động tổng hợp các nguồn lực, huyện hoàn thành tiêu chí thủy lợi từ giữa năm 2018. Đơn cử, xã Vân Trung đã cải tạo, cứng hóa kênh mương nội đồng ở thôn Trung Đồng với chiều dài 2 km, khắc phục tình trạng ngập úng tại cánh đồng rộng 25 ha. Kinh phí thực hiện công trình này gồm 150 triệu đồng từ nguồn phân bổ vốn NTM tỉnh hỗ trợ và hơn 200 ngày công huy động nhân dân tham gia.
Thời điểm này, huyện Yên Dũng đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí để phấn đấu về đích huyện NTM. Trao đổi với ông Ngụy Thế Kiên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được biết, trước đây nhiều công trình thủy lợi xuống cấp; thiết bị, máy móc của trạm bơm hư hỏng.
Để khắc phục, trong giai đoạn 2012-2020, sau khi được ngân sách T.Ư, tỉnh hỗ trợ hơn 56,5 tỷ đồng, các xã huy động thêm kinh phí, ngày công xây dựng công trình thủy lợi. Đến hết năm 2020, huyện đã cứng hóa hơn 60 km kênh mương, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hơn 16,2 nghìn ha đất nông nghiệp.
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đến hết năm 2020, Bắc Giang phân bổ, huy động hơn 223 tỷ đồng đầu tư xây dựng 263,6 km kênh mương nội đồng. Hiện toàn tỉnh có 160 xã (chiếm 78,8%) và 3 huyện gồm Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên đã đạt tiêu chí về thủy lợi. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn các huyện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu, phòng, chống lụt bão, cung cấp đủ nước tưới chủ động cho 100% diện tích cấy 2 vụ lúa.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu thêm huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa đạt tiêu chí thủy lợi, nâng tổng số toàn tỉnh có 90% số xã và 5 huyện hoàn thành tiêu chí này. Hướng tới mục tiêu trên, đơn vị đề nghị các xã tập trung vốn đầu tư cho tiêu chí thủy lợi; lồng ghép các chính sách; áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù, giao cộng đồng thực hiện để nâng cao chất lượng công trình, giảm chi phí.
“Dự kiến nguồn lực và khả năng huy động đầu tư, quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 hơn 3,3 tỷ đồng. Đơn vị sẽ đề xuất T.Ư có cơ chế hỗ trợ riêng về vốn cho các địa phương phấn đấu xây dựng huyện NTM, đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương liên xã”, ông Minh cho biết thêm.
Tiêu chí thủy lợi là tiêu chí khó song nhiều huyện có những biện pháp cụ thể nhằm từng bước khắc phục. Ví như tại Hiệp Hòa, hằng năm, địa phương đưa tiêu chí thủy lợi vào nội dung đánh giá, phân loại thi đua đối với cấp xã.
Huyện không trông chờ vào số tiền hỗ trợ của cấp trên, đồng thời chủ động bố trí kinh phí riêng cho những xã đăng ký về đích NTM cải tạo, cứng hóa kênh mương. Sau khi đưa vào sử dụng, một số công trình sẽ được giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã chịu trách nhiệm quản lý theo phân cấp. Nhờ vậy, kênh mương trên địa bàn phát huy hiệu quả.
Một số ý kiến cho rằng, hệ thống thủy lợi của tỉnh còn hạn chế do nguồn lực hỗ trợ thấp trong khi Chương trình xây dựng NTM có nhiều hạng mục cần đầu tư. Thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu đề ra rất cần sự chung tay, góp sức hơn nữa từ phía nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bài, ảnh: Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)