Xây dựng môi trường học đường an toàn
BẮC GIANG - Nhằm lan tỏa lối sống tích cực, ngăn chặn các vụ bạo lực học đường có xu hướng ngày càng tăng, ngành Giáo dục Bắc Giang triển khai nhiều nội dung lồng ghép trong chương trình giảng dạy, từ đó trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng ứng phó với tình huống xấu, xây dựng tình bạn đẹp.
Ngăn chặn hành vi lệch chuẩn
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, mặc dù các trường đã tăng cường các biện pháp giáo dục nhưng thời gian qua vẫn có tình trạng học sinh đánh nhau. Thậm chí khi xảy ra mâu thuẫn thay vì can ngăn, gọi điện cho thầy, cô giáo, bố mẹ, hoặc báo công an để được hỗ trợ, ngăn chặn, giải quyết thì nhiều em thản nhiên quay video, clip cổ vũ khiến hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Như mới đây, do mẫu thuẫn liên quan đến việc nợ tiền và thất hứa không mua xe đạp điện của nhau, sau khi kết thúc buổi học, hai học sinh lớp 7 đã đánh, đấm liên tục một em lớp 6 ngay tại hành lang khu vực nhà đa năng của Trường Trung học cơ sở thị trấn Đồi Ngô số 1 (Lục Nam). Đáng trách hơn, một trong hai học sinh đánh em lớp 6 còn nhờ bạn cùng lớp quay video. Sau đó, video được phát tán lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc.
![]() |
Một tiểu phẩm tại chương trình tư vấn tâm lý học đường do Tỉnh đoàn tổ chức ở huyện Lục Nam. |
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh xảy ra gần 10 vụ học sinh đánh nhau do mâu thuẫn cá nhân. Một số vụ ẩu đả dẫn đến thương tích phải nhập viện điều trị. Điều này không chỉ tổn hại về thể chất mà còn gây bất ổn về tâm lý, mối quan hệ bạn bè, gây ra nhiều hệ quả đáng tiếc như: Lệch lạc trong cách hành xử, hình thành nhân cách xấu, khiến môi trường giáo dục mất đi sự tôn nghiêm, lành mạnh, thân thiện. Ngay sau khi các vụ việc xảy ra, ban giám hiệu các trường phối hợp với phụ huynh và cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân. Tùy theo mức độ vi phạm, các em đều bị xử lý nghiêm từ hạ hạnh kiểm đến đình chỉ học tập có thời hạn.
Theo nhiều giáo viên, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do ở lứa tuổi này, các em dễ nổi nóng, có hành vi bột phát, thích thể hiện bản thân. Thậm chí có những vụ việc chỉ do mâu thuẫn nhỏ, trêu đùa quá dẫn tới đánh nhau. Một số học sinh đua đòi, ham chơi, giao du với những đối tượng xấu nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Trong khi, gia đình, nhà trường chưa thực sự quan tâm sát sao đến những biến đổi tâm lý, sinh lý, hành vi của con em mình. Một số cơ sở giáo dục mới chỉ chú trọng tới dạy chữ, dạy nghề mà chưa quan tâm đúng mức tới công tác giáo dục đạo đức, lối sống, rèn kỷ luật, kỹ năng sống cho các em.
Khắc phục hạn chế trên, ngành Giáo dục đã tích cực triển khai các chương trình giảng dạy lồng ghép vào giờ học chính khóa, ngoại khóa giúp học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật, tự giác rèn luyện tác phong, kỷ luật học đường. Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Bắc Giang đẩy mạnh phong trào xây dựng ngôi trường an toàn, hạnh phúc, gắn kết yêu thương, không có bạo lực học đường. Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục tập trung xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa giúp các em có cơ hội phát triển, khẳng định năng lực.
Ứng xử đúng mực, hài hòa
Trong chương trình giảng dạy, các trường chủ động lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật vào các giờ ngoại khoá. Vừa qua, Trường Trung học cơ sở Đông Phú (Lục Nam) tổ chức diễn đàn “Hiếu thảo, hiếu học, xây dựng tình bạn đẹp” thu hút hơn 500 cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia. Diễn đàn chú trọng vào việc hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với tình huống xấu, chủ động ngăn chặn nguy cơ xảy ra vụ việc ngoài ý muốn, biết cách xây dựng tình bạn đẹp, hóa giải mâu thuẫn. Qua những buổi sinh hoạt, nhiều em học sinh đã chia sẻ những việc làm cụ thể, gần gũi, giúp đỡ bạn nhiều hơn trong học tập... Nhờ những việc làm ấy, các em tạo dựng được mối quan hệ thân thiết, giúp nhau cùng tiến bộ.
Cùng đó, các cơ sở giáo dục chú trọng phân công giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tâm tư, tình cảm, giải đáp những vướng mắc của các em. Mới đây, Trường Trung học phổ thông Giáp Hải (thành phố Bắc Giang) xây dựng hòm thư “Điều em muốn nói” để học sinh có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về các hoạt động của trường, lớp.
Thời gian tới, ngành Giáo dục đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học hạnh phúc. Giáo viên thường xuyên nắm bắt tâm tư, kịp thời động viên, chia sẻ, dạy bảo các em ứng xử đúng mực, hài hòa trong các mối quan hệ. Phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên để quản lý thời gian học, sinh hoạt, nhất là việc sử dụng điện thoại, tham gia các trang mạng xã hội của con em mình… |
Thầy giáo Lưu Hải An, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Lứa tuổi các em đang có nhiều thay đổi về tâm lý, sinh lý, muốn khẳng định bản thân, nhiều lúc bướng bỉnh, khó bảo. Nếu chỉ giáo dục học trò bằng kỷ luật, kỷ cương sẽ khó đạt hiệu quả. Do vậy, chúng tôi luôn uốn nắn, bảo ban học sinh bằng tình yêu thương, sự động viên, bao dung khi các em mắc lỗi, đồng thời khơi gợi cho các em sự tìm tòi, yêu thích môn học, nghị lực vượt qua cám dỗ cuộc sống. Khi đến trường, học sinh cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương từ thầy, cô giáo, bạn bè, giúp các em tự tin, cởi mở”.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh tích cực. Giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy sự sáng tạo, say mê học tập của học sinh; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên, chia sẻ, dạy bảo các em ứng xử đúng mực, hài hòa trong các mối quan hệ. Bản thân mỗi học sinh cũng cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa, chấp hành tốt nội quy trường, lớp, quy định của pháp luật. Khi có vấn đề khó giải quyết, các em nên chia sẻ cùng bạn bè, người thân, thầy, cô giáo để nhận được lời khuyên và sự giúp đỡ cần thiết, kịp thời.
Phụ huynh cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với giáo viên để quản lý thời gian học, sinh hoạt, nhất là việc sử dụng điện thoại, tham gia các trang mạng xã hội của con em mình. Đồng thời nắm bắt những biểu hiện bất thường để có hướng giải quyết, ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra. Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, giải tỏa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, dịch vụ trò chơi điện tử, cầm đồ xung quanh trường học.
Ý kiến bạn đọc (0)