Cao Kỳ Vân - Nữ anh hùng liệt sĩ đầu tiên của lực lượng công an
BẮC GIANG - Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có biết bao nữ anh hùng đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Giữa muôn vàn tấm gương thầm lặng ấy, có một người con gái trẻ tuổi Cao Kỳ Vân đã chọn con đường đấu tranh gian khổ và hy sinh.
Sống giữa kẻ thù để diệt kẻ thù
Chị là Nguyễn Thị Được, nhưng cái tên Cao Kỳ Vân - bí danh trong hoạt động tình báo mới là dấu ấn in sâu vào lịch sử của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Sinh năm 1925 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Bình Lục (Hà Nam), lớn lên giữa lúc đất nước lâm nguy, chị đã cùng gia đình đến định cư tại xã Cương Lập, huyện Yên Thế, nay là thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). Từ đây, chị sớm dấn thân vào con đường cách mạng, tham gia du kích ở địa phương và trở thành một trong những nữ chiến sĩ tình báo đầu tiên của Công an Bắc Giang.
![]() |
Nữ Anh hùng Cao Kỳ Vân. |
Từ năm 1947 đến 1949, thực dân Pháp chọn một số khu vực trên địa bàn Việt Yên để xây dựng hệ thống căn cứ quân sự, trong đó có núi Mỏ Thổ, xã Minh Đức. Khu vực này có vị trí rất quan trọng, nằm án ngữ con đường từ Bắc Ninh lên Yên Thế, kiểm soát cả một vùng rộng lớn và là nơi sĩ quan Pháp cùng mật thám họp bàn cách đánh phá cách mạng. Địch còn xây dựng các làng xung quanh nơi đóng quân thành cơ sở tề ngụy, đồng thời tăng cường chỉ điểm, càn quét bắt giữ, tra tấn cán bộ, đảng viên. Chúng sử dụng các tổ chức do thám với ý đồ tăng cường xâm nhập vào vùng du kích, vùng tự do. Để đối phó, Ty Công an tỉnh Bắc Giang đã thành lập các tổ điệp báo.
Chị Nguyễn Thị Được được tổ chức tin tưởng phân công vào tổ Sao Chổi mang bí danh Cao Kỳ Vân. “Sống giữa kẻ thù để diệt kẻ thù”, để che mắt địch, chị làm con nuôi của một gia đình ngay dưới chân bốt Mỏ Thổ. Hằng ngày, nữ điệp báo bán quán để dò la tin tức hoặc cải trang làm người đi cắt cỏ, bắt cua, mò ốc, qua đó làm quen với binh lính, nắm bắt tình hình địch. Những thông tin thu thập được gửi về giúp đơn vị có kế hoạch ngăn chặn các cuộc càn quét của địch cũng như có biện pháp di chuyển lực lượng, giúp Nhân dân sơ tán tránh thiệt hại, bảo vệ an toàn cho lực lượng kháng chiến và cơ sở cách mạng.
Không chỉ sống, chiến đấu trong lòng địch, chị Được còn viết nên một chiến công cảm tử bằng chính sinh mệnh của mình khi tham gia tấn công đồn Mỏ Thổ - một trận đánh tuy không thành công trọn vẹn về mặt chiến thuật, nhưng lại trở thành biểu tượng bất diệt của lòng quả cảm, sự hy sinh và tinh thần yêu nước sắt son. Hôm đó, ngày 1/5/1950, được cơ sở báo cáo địch sẽ có cuộc họp quan trọng tại đồn Mỏ Thổ với sự tham dự của tên quan ba người Pháp và mật thám, tề ngụy nhằm tổ chức càn quét, phá các cơ sở du kích, uy hiếp phong trào kháng chiến, đơn vị phân công Cao Kỳ Vân xâm nhập vào đồn để tiêu diệt địch.
![]() |
Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Cao Kỳ Vân tại xã Minh Đức, thị xã Việt Yên. |
Được tổ quân báo dẫn đường và yểm trợ, chị giả làm người bắt cua, giấu 2 quả lựu đạn trong giỏ lọt vào đồn, ném lựu đạn tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch. Khi rút lui, nữ điệp báo không may bị địch bắt, chúng tra tấn vô cùng dã man nhưng chị quyết không khai báo, sau đó chúng lại dụ dỗ, mua chuộc chị nhưng đều thất bại. Cuối cùng chúng đã xử tử chị. Nữ điệp báo Cao Kỳ Vân đã anh dũng hy sinh ở tuổi 25 khi chưa lập gia đình riêng.
Thiết thực tri ân
Tấm gương chiến đấu quật cường của nữ điệp báo Cao Kỳ Vân đã tô đậm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam nói chung và người chiến sĩ Công an nhân dân Bắc Giang nói riêng. Ngày 22/7/1998, Chủ tịch nước có Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Cao Kỳ Vân.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tích cực hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu về Anh hùng liệt sĩ Cao Kỳ Vân. |
Để tri ân người nữ Anh hùng, Công an tỉnh đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Cuộc đời và hoạt động của nữ liệt sĩ Công an nhân dân, Anh hùng lực lượng vũ trang Cao Kỳ Vân”. Đây là một trong nhiều hoạt động nổi bật thiết thực kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam 19/8 (1945-2025).
Cảm nghĩ của bản thân về nữ liệt sĩ Cao Kỳ Vân, Đại úy Ngô Thị Yến, Phòng Tham mưu chia sẻ: “Tham gia cuộc thi, tôi không chỉ mong muốn ôn lại một phần lịch sử hào hùng của nữ Anh hùng Cao Kỳ Vân, mà hơn thế nữa đó còn là sự bày tỏ lòng cảm phục sâu sắc, lòng biết ơn chân thành đối với sự hy sinh cao cả của chị - một con người nhỏ bé nhưng có ý chí sắt đá, sống vì Tổ quốc, chết vì Nhân dân. Hình ảnh đó thôi thúc tôi suy ngẫm và học hỏi rất nhiều điều trong hành trình sống và cống hiến của mình. Qua tấm gương của chị, tôi nhận ra rằng mỗi người trẻ hôm nay đều cần phải học cách sống có lý tưởng, sống cống hiến, sống tử tế và trách nhiệm. Không bao giờ được quên công ơn của những anh hùng liệt sĩ”.
Để tri ân người nữ Anh hùng, Công an tỉnh đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Cuộc đời và hoạt động của nữ liệt sĩ Công an nhân dân, Anh hùng lực lượng vũ trang Cao Kỳ Vân”. Đây là một trong nhiều hoạt động nổi bật thiết thực kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam 19/8 (1945-2025). |
Dành rất nhiều tâm huyết cho bài thi, Thượng úy Phạm Văn Xô, Công an xã Lam Sơn, huyện Tân Yên xúc động kể: “Tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Bình, em gái liệt sĩ Cao Kỳ Vân. Bà Bình kể rằng hai chị em cũng hay ngồi trò chuyện với nhau, chị rất quý các em. Chị Được đã trốn gia đình đi hoạt động cách mạng, làm công an mật. Chị giỏi và gan dạ lắm”. Qua những suy nghĩ và cảm xúc về cuộc đời Cao Kỳ Vân, tôi nhận thức rõ rằng những chiến sĩ như chị là hình mẫu lý tưởng mà mỗi chúng ta cần học hỏi và noi theo.
Tấm gương của chị không chỉ là nguồn động lực mạnh mẽ cho các thế hệ hôm nay, mà còn là lời nhắc nhở về những giá trị mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy trong cuộc sống. Chúng ta có thể không làm được những việc vĩ đại như chị, nhưng mỗi hành động nhỏ bé trong học tập, công tác và cống hiến đều góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, xứng đáng với những hy sinh mà thế hệ đi trước đã để lại.
Không ai trong số những cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh hôm nay được trực tiếp sát cánh, chiến đấu bên chị Cao Kỳ Vân. Nhưng trong sâu thẳm trái tim mỗi người, họ đều cảm nhận được một điều rằng “Chúng tôi là đồng đội” với chị theo đúng nghĩa của tình đồng chí, đồng ý, đồng lòng. Trong nhiều buổi học chính trị, khi thảo luận về “Người Công an mẫu mực trong thời đại mới”, rất nhiều đồng chí đã nhắc đến chị.
“Chị không còn góp mặt trong hàng quân, nhưng vẫn là người truyền động lực. Vì thế, chúng tôi - những người chiến sĩ Công an nhân dân hôm nay luôn tự hào được là đồng đội của chị, dù ở hai thời điểm khác nhau. Nhớ chị, chúng tôi học cách vượt lên những giới hạn của bản thân, không còn so đo thiệt hơn, không còn chùn bước trước những thử thách, mang khát vọng của chị đi xa hơn, rộng hơn, dài hơn trên hành trình bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân” - Thiếu tá Trần Thị Thu Hằng, đại diện tập thể Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và Ngoại tuyến, Công an tỉnh chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc (0)