Xây dựng huyện Hiệp Hòa thành trung tâm động lực phía Tây tỉnh Bắc Giang
Tạo mặt bằng sạch đón nhà đầu tư
Trước năm 2015, Hiệp Hòa mới có 3 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, CNN Đoan Bái chỉ có Công ty cổ phần May Xuất khẩu Hà Phong, các CCN còn lại chỉ lác đác vài ba doanh nghiệp (DN) hoạt động.
![]() |
Thi công tuyến đường nối xã Mai Trung với Xuân Cẩm. |
Xác định lĩnh vực sản xuất công nghiệp là xương sống của nền kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết, tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp thực hiện. Ngay sau khi quy hoạch các vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, huyện chỉ đạo tổ chức giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư vào địa bàn. Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.
Để tháo gỡ khó khăn, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện quyết liệt vào cuộc. Cùng với các giải pháp tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên đều phát huy tinh thần gương mẫu, kiên trì vận động người thân trong gia đình, xóm làng đồng thuận bàn giao mặt bằng. Huyện cũng tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện cho DN đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để sớm đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Sau một nhiệm kỳ, toàn huyện đã thu hút 95 DN với tổng số vốn đầu tư gần 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2015. Toàn huyện đang xây dựng và quy hoạch 6 khu công nghiệp (KCN), 8 CCN với tổng diện tích 1,8 nghìn ha. Các dự án phát triển khu, CCN đều chú trọng xây dựng hạ tầng thiết yếu như hệ thống xử lý nước thải bảo vệ môi trường, khu vui chơi, trường học, nhà ở, điện chiếu sáng...
Hiện nay, KCN Hòa Phú được đánh giá có quy mô lớn nhất tỉnh (hơn 207 ha), chủ đầu tư là Công ty TNHH Hòa Phú Invest đã giải phóng mặt bằng hơn 100 ha và xây dựng kết cấu hạ tầng được khoảng 50% diện tích. Theo ông Trần Sỹ Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phú Invest, khi KCN đi vào hoạt động với 100% công suất sẽ có khoảng 45-50 nhà đầu tư thứ phát hoạt động, tạo việc làm cho 25-30 nghìn lao động của huyện và các tỉnh lân cận.
Tính đến tháng 7/2020 có 11 DN đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc đầu tư vào địa bàn, tổng vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng. Ngoài lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu đã có thêm nhiều DN sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ. Khoảng 15 nghìn người dân địa phương đã tìm được việc làm ngay trên quê hương với thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp.
Mới đây, CCN Jutech, xã Hương Lâm được UBND tỉnh bổ sung vào Quy hoạch Phát triển các CCN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó góp phần tạo sự liên kết các khu, CCN để phát triển vùng công nghiệp phía Tây của tỉnh và tham gia liên kết vào chuỗi sản xuất công nghiệp khu vực Bắc Giang- Bắc Ninh - Thái Nguyên - Hà Nội.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông, đô thị
Để xây dựng huyện Hiệp Hòa trở thành vùng động lực phát triển kinh tế phía Tây của tỉnh, cùng với chú trọng quy hoạch, xây dựng các khu, CCN, những năm qua huyện còn ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, các khu đô thị. Tuyến đường vành đai 4 chạy qua địa bàn huyện đã hoàn thành, toàn bộ đường huyện, đường liên xã, thôn được cứng hóa, đường tỉnh 296 với đường tỉnh 295 và quốc lộ 37 đã được kết nối; đường tỉnh 288 đoạn từ thị trấn Thắng đi xã Hoàng Vân, xã Hoàng An nối với quốc lộ 37 cũng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Sau một nhiệm kỳ, Hiệp Hòa đã thu hút 95 DN đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2015. Toàn huyện đang xây dựng, quy hoạch 6 KCN, 8 CCN với tổng diện tích 1,8 nghìn ha. |
Ngay trung tâm huyện hình thành các khu đô thị phía Nam, phía Tây thị trấn Thắng, khu dân cư số 3; khu vực Bách Nhẫn, Phố Hoa là đô thị loại V. Theo quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa đến năm 2035, nơi đây sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi theo xu hướng phát triển hiện đại và quy mô, tạo điểm nhấn cho vùng kinh tế phía Tây của tỉnh, thu hút dân cư, nâng cao tỷ lệ dân số đô thị, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Xác định xây dựng huyện trở thành trung tâm động lực phía Tây của tỉnh cần có lộ trình với chiến lược, quy hoạch chi tiết. Trong nhiệm kỳ tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm làm tốt công tác quy hoạch các vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Lấy đường vành đai 4 làm trụ cột, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng các tuyến giao thông liên hoàn giữa các khu, CCN, dịch vụ và khu dân cư mới.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, Đảng bộ, chính quyền huyện sẽ tập trung nguồn lực từ ngân sách và thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN, khu vực thị trấn Thắng và các xã nằm trong quy hoạch đô thị. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dịch vụ công cộng; ngầm hóa hạ tầng điện, viễn thông. Quan tâm quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực; từng bước tham gia cung cấp dịch vụ sinh thái nông nghiệp cho người dân trong huyện, Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)