Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại
Hệ thống giao thông kết nối đối ngoại cơ bản hoàn thành
Hệ thống kết cấu hạ tầng được xác định là tổng hợp các công trình vật chất kỹ thuật có chức năng phục vụ sản xuất và đời sống bao gồm: Giao thông vận tải, cấp thoát nước, điện, cơ sở y tế, trường học và các hoạt động dịch vụ công cộng khác. Đây là hệ thống tạo nền tảng cho phát triển KT-XH nên thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, trước hết là ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối đối ngoại, đối nội.
![]() |
Khu nhà chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị đưa vào khai thác. |
Ngày 7/3/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Kết luận số 55-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 22/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Kết luận này, các đơn vị, địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối đối ngoại, kết nối liên vùng, liên huyện, với các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị.
Giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh thực hiện khoảng 70 dự án lớn về giao thông (chủ yếu là dự án do ngân sách tỉnh đầu tư có mức kinh phí từ 15 tỷ đồng trở lên). Trong số này có gần 20 dự án trọng điểm, có tổng mức đầu tư gần 8.500 tỷ đồng. Đây hầu hết là các tuyến giao thông mang tính chiến lược, kết nối với các tỉnh trong khu vực, có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đó là: Dự án xây dựng cầu Hà Bắc 2 nối tuyến nhánh 2, đường vành đai IV (nay là đường tỉnh 398) với Khu công nghiệp Yên Phong và quốc lộ (QL)18, tỉnh Bắc Ninh; dự án xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ QL37 đến cầu Hòa Sơn); các dự án xây mới cầu Đồng Việt, mở rộng cầu Như Nguyệt; cải tạo nâng cấp đường từ Bố Hạ đi Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; dự án đường nối QL37-QL17-Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)...
Giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh thực hiện khoảng 70 dự án lớn về giao thông (chủ yếu là dự án do ngân sách tỉnh đầu tư có mức kinh phí từ 15 tỷ đồng trở lên). Trong số này có gần 20 dự án trọng điểm, có tổng mức đầu tư gần 8.500 tỷ đồng. Đây hầu hết là các tuyến giao thông mang tính chiến lược, kết nối với các tỉnh trong khu vực, có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. |
Ngoài các dự án do tỉnh đầu tư, các huyện, thành phố cũng thực hiện hàng trăm công trình giao thông nội bộ, liên vùng, liên huyện, hệ thống giao thông tại các khu đô thị, khu dân cư. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng các công trình giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Dự kiến nhu cầu và nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 là hơn 52 nghìn tỷ đồng. Trong đó ngân sách tỉnh hơn 26 nghìn tỷ đồng; ngân sách các huyện, TP khoảng 15,7 nghìn tỷ đồng, còn lại là ngân sách T.Ư và nguồn xã hội hoá. Theo tiến độ thực hiện, đến thời điểm này, hạ tầng khung giao thông kết nối đối ngoại với các tỉnh, thành phố lân cận (Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Ninh và TP Hà Nội), kết nối liên vùng nội tỉnh, kết nối các khu, cụm công nghiệp cơ bản được đầu tư hoàn thiện, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác hiệu quả.
Hạ tầng xã hội từng bước đồng bộ
Cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, đô thị trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 dự án khu đô thị, khu dân cư được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và phê duyệt kết quả lựa chọn chủ đầu tư. Hiện có khoảng 30 dự án đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành với hạ tầng kỹ thuật thống nhất, hiện đại. Việc kiên cố hóa trường lớp học được chú trọng. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học toàn tỉnh đạt 93,8%, tăng 2,56% so với năm trước. Toàn tỉnh có 710 trường chuẩn quốc gia mức độ 1; 152 trường chuẩn quốc gia mức độ 2 (tăng từ 0,8 - 4,4% so với năm trước). Hệ thống các bệnh viện, trung tâm y tế được triển khai nâng cấp, mở rộng ở các huyện, TP.
Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã triển khai xây dựng hàng loạt bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế 9 huyện của tỉnh. Hiện một số dự án như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung tâm y tế các huyện Tân Yên, Lạng Giang đã hoàn thành đưa vào khai thác. Ngoài nguồn vốn ngân sách, một số huyện như Lạng Giang, Việt Yên… còn thu hút được nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng bệnh viện có quy mô 300-400 giường bệnh tại địa phương.
![]() |
Dự án thi công mở rộng cầu Như Nguyệt. |
Thực hiện Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ ngân sách đầu tư, xây dựng các lò đốt rác công nghệ cao, đến hết tháng 11/2022, các huyện trong tỉnh đã lắp đặt, xây mới xong 23/30 lò xử lý rác thải công nghệ cao (trước đó các huyện đăng ký ghi vốn hỗ trợ). Số lò còn lại dự kiến cuối tháng 12 hoàn thành, đưa vào hoạt động đầu tháng 1/2023. Riêng TP Bắc Giang, Lục Nam, Hiệp Hoà, Việt Yên, Lục Ngạn… đã bố trí được quỹ đất để thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải quy mô lớn, bao gồm cả chất thải công nghiệp. Trong số này đã có Nhà máy xử lý chất thải Kiên Thành (Lục Ngạn) đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải hợp vệ sinh tại xã Kiên Thành và các địa bàn lân cận. Đối với hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng, hạ tầng thông tin liên lạc và các công trình dịch vụ công cộng khác cũng được nâng cấp.
Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Kết cấu hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng phát triển KT-XH. Việc sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật (còn gọi là hạ tầng kinh tế), hạ tầng xã hội sẽ góp phần tạo liên kết các khu vực, thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các vùng, giảm sự chênh lệnh về mức sống và dân trí giữa các khu vực dân cư. Qua đó, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng cũng như khai thác, hiện thực hóa các tiềm năng KT-XH tại địa phương.
Bài, ảnh: Thuỳ Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)