Vụ Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch: Sẽ đình chỉ chức vụ và kiến nghị bãi miễn tư cách ĐBQH
17 giờ 30 phút chiều nay, 1/9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh (HCM) đã họp báo thông tin chính thức về vụ việc ĐBQH Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM và hiện đang là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) có 2 quốc tịch (Việt Nam và đảo Síp).
![]() |
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM chủ trì buổi họp báo. |
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết, ngay sau khi có thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch, các cơ quan chức năng của thành phố đã làm việc với ông Quốc.
Vào ngày 25/8, ĐB Phạm Phú Quốc có đơn xin thôi ĐBQH khóa XIV và có đơn xin thôi chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc ĐB Phạm Phú Quốc bị cáo buộc chi số tiền 2,5 triệu USD mua quốc tịch Cộng hòa Síp, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM khẳng định: "Hoàn toàn không có việc anh Phạm Phú Quốc bỏ 2,5 triệu USD mua quốc tịch Síp, mà là do vợ và con bảo lãnh".
![]() |
ĐBQH Phạm Phú Quốc. |
Theo ông Khuê, khi thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch rộ trên báo chí, Thường trực Đoàn ĐBQH TP HCM đã mời ĐB Phạm Phú Quốc lên làm việc. ĐB Phạm Phú Quốc vẫn nhất quán thông tin là có quốc tịch Síp do gia đình bảo lãnh. Lý do không báo cáo với tổ chức là có lý do cá nhân.
"Nhưng nói gì nói, với trách nhiệm của một ĐBQH, một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo, chiếu theo quy định và lương tâm của một ĐBQH, ĐB Phạm Phú Quốc cần phải báo cáo đầy đủ sự việc. Trách nhiệm của một ĐBQH và trách nhiệm với cử tri" - ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM thông tin thêm, từ khi ông Phạm Phú Quốc ứng cử ĐBQH và ngay cả khi được giao thêm chức vụ lãnh đạo ở Công ty Tân Thuận thì chưa có thông tin gì về việc ông Quốc có 2 quốc tịch cũng như việc vợ của ông có quốc tịch Síp. Do đó, vấn đề là ông Phạm Phú Quốc đã không trung thực trong việc khai báo.
Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi ĐB Phạm Phú Quốc lấy đâu ra 2,5 triệu USD để mua quốc tịch Síp, ông Phan Nguyễn Như Khuê một lần nữa nêu rõ, chúng ta nên tôn trọng lời thú thật của ĐB Phạm Phú Quốc là do gia đình bảo lãnh chứ không nên suy diễn.
"Tôi nghĩ đến thời điểm này chúng ta nên tôn trọng ĐBQH vì ông đã có báo cáo chính thức trước công luận, tổ chức Đảng tại sao có quốc tịch thứ hai" - ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.
Tiếp tục trả lời câu hỏi về việc năm 2018, ĐBQH Phạm Phú Quốc từng có đơn xin thôi việc nhưng tại sao lại vẫn làm ĐBQH, ông Khuê cho biết: Năm 2018, khi còn là Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, ông nhận được đơn của ĐBQH Phạm Phú Quốc. Nhưng đó không phải là đơn xin thôi nhiệm vụ, mà là trình bày về việc bị xem xét kỷ luật Đảng ở một vụ việc khác, không liên quan tới quốc tịch Síp.
Về hướng xử lý đối với ĐBQH Phạm Phú Quốc, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Hà Phước Thắng cho biết, sự việc ĐB Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp vào tháng 12/2018 là thể hiện không gương mẫu, không chấp hành đúng quy định của Đảng và của tổ chức.
Ông Hà Phước Thắng cũng cho biết vào ngày 27/8, BĐ Phạm Phú Quốc đã có đơn giải trình để báo cáo sự việc với các đơn vị chức năng. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã rà soát lại và báo cáo hướng xử lý.
Cụ thể, qua đề xuất của Đoàn ĐBQH, UBND TP, Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM đã thống nhất hướng xử lý đối với ĐB Phạm Phú Quốc như sau:
Một là trong tuần này, Đoàn ĐHQH sẽ họp và kiến nghị lên Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ĐB Phạm Phú Quốc.
Thứ hai, về mặt Đảng, Thành ủy TP HCM sẽ làm việc và xem xét quyết định trong tháng 9/2020.
Thứ ba là với nhiệm vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Tân Thuận mà ĐB Phạm Phú Quốc đang nắm giữ, UBND TP HCM đã giao cho Sở Nội vụ tham mưu và sẽ có quyết định đình chỉ chức vụ này. Sau đó, TP HCM giao cho các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm BĐ Phạm Phú Quốc trước khi xem xét cho thôi việc.
Theo ANTĐ
Ý kiến bạn đọc (0)