Vụ cam, bưởi 2021: Chú trọng nâng chất lượng, giá trị
Nhiều vườn cam không đậu quả
Xế trưa nhưng trên cánh đồng thôn Tân Đồng, xã Tân Mộc vẫn còn khá nhiều hộ dân tranh thủ phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tỉa cành khô cho các diện tích cây có múi. Vừa tranh thủ xới gốc, bón phân, ông Leo Su Tệt, dân tộc Hoa, thôn Tân Đồng vừa chia sẻ, nhà có 6 ha cam ngọt và cam lòng vàng, năm ngoái cho 50 tấn quả, gia đình thu về gần 1,8 tỷ đồng. “Vụ này có khoảng 15% số cây không cho quả, ước sản lượng giảm khoảng 7 tấn quả, thất thu không nhỏ”, ông Tệt cho hay.
![]() |
Ông Hiền cùng người nhà chăm sóc vườn cam lòng vàng. |
Cách khu trồng cam của hộ ông Tệt không xa, dù trời nắng nóng nhưng ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Mộc vẫn huy động 5 nhân công ra đồng bón phân cho 12 ha cam của gia đình. Ông Hiền cho biết, vụ này gần ½ tổng diện tích 90 ha cam của 9 thành viên trong HTX và 45 hộ liên kết sản xuất tại xã Tân Mộc không đậu quả.
Để nâng năng suất, ông cùng Ban Giám đốc HTX thường xuyên động viên bà con tích cực chăm sóc cây bằng nguồn phân, thuốc trừ sâu có nguồn gốc hữu cơ. Cách này vừa làm tăng sản lượng, tạo mẫu mã đẹp lại giúp đất không bị trơ, cằn. Để làm mẫu cho các hộ, ông Hiền đầu tư hơn 120 triệu đồng mua 60 tấn phân chuồng nội đóng bao, phân lân tổng hợp và thuốc BVTV để bón cho cam của gia đình.
Qua khảo sát, không chỉ Tân Mộc mà một số xã khác trong huyện có diện tích cam, bưởi lớn, như: Hồng Giang, Thanh Hải, Trù Hựu, Mỹ An cũng có tình trạng cây có múi không đậu quả. Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết, xã có 394 ha cây có múi, trong đó có 164 ha bưởi, còn lại là cam các loại nhưng chỉ có khoảng 20% diện tích cho quả.
“Nhiều gia đình trong xã sẽ gặp khó vì không có nguồn thu. Trong khi, các hộ vẫn phải đầu tư từ 20-70 triệu đồng/ha để mua phân bón, thuốc BVTV chăm sóc cây. Tuy nhiên, xã vẫn tuyên truyền bà con tích cực chăm sóc cả những cây không cho trái với hy vọng các diện tích này sẽ cho năng suất cao hơn trong vụ tới”, ông Thái nói.
Được biết, vụ này Lục Ngạn sản xuất 6,74 nghìn ha cây có múi, tương đương năm 2020. Trong đó, cam 4,1 nghìn ha, bưởi 2,2 nghìn ha và cây có múi khác 346 ha. Dự báo sản lượng 50 nghìn tấn, giảm gần 13,6 nghìn tấn so với niên vụ trước.
Chủ động chăm sóc, có phương án tiêu thụ
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn, nguyên nhân nhiều diện tích cam, bưởi không cho quả là do vào thời điểm cây ra hoa, tại địa bàn Lục Ngạn có mưa ẩm dài ngày nên lượng hoa đậu quả thấp. Thêm nữa, sau nhiều năm canh tác cây có múi, người dân chủ yếu dùng phân vô cơ chăm sóc cây nên nhiều diện tích đất trồng bị thoái hóa, dù cây cho trái nhưng sản lượng không cao.
Vì thế, nhiều hộ dân ở một số xã như: Tân Quang, Hồng Giang, Tân Mộc đã chuyển sang trồng cây ăn quả khác. Đơn cử tại xã Tân Mộc, ông Vũ Duy Giang, Chủ tịch UBND xã cho hay, năm 2020 xã này có 1.050 ha cây có múi nhưng năm nay, người dân chỉ canh tác khoảng 60%, diện tích còn lại chuyển sang trồng vải sớm, vú sữa và bơ.
Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn cho biết, để hạn chế thiệt hại, ngay sau thực hiện cách ly xã hội, cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền các xã đã cho rà soát toàn bộ các diện tích cây ăn quả trong huyện. Đồng thời tuyên truyền người dân quan tâm chăm sóc vải thiều sau thu hoạch, cây có múi.
Năm 2021, Lục Ngạn có 6,7 nghìn ha cây có múi, tương đương năm 2020. Trong đó, cam 4,1 nghìn ha, bưởi 2,2 nghìn ha và cây có múi khác 346 ha. Dự báo sản lượng đạt 50 nghìn tấn, giảm gần 13,6 nghìn tấn so với vụ cam, bưởi năm trước. |
Cơ quan chuyên môn của huyện đã hướng dẫn người dân tích cực phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, như: Rệp muội, rầy chổng cánh (tác nhân chính của bệnh vàng lá gân xanh hay bệnh vàng lá cam ở cây có múi), bệnh ghẻ sẹo để hạn chế sản phẩm mẫu mã xấu.
Người dân cần tích cực chăm sóc cây bằng các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Mục tiêu làm tăng kích thước, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để tăng sản lượng và giá bán các loại quả có múi của huyện.
Mặc dù dịch dịch Covid-19 trên địa bàn Lục Ngạn đã cơ bản được kiểm soát nhưng diễn biến dịch trong nước còn phức tạp, nguy cơ người dân bị thiệt hại kép rất cao (vừa giảm sản lượng vừa khó tiêu thụ sản phẩm).
Do đó, UBND huyện yêu cầu phòng chức năng, chính quyền các xã chủ động phòng, chống dịch và tập trung sản xuất. Ông Huy cho hay: “Phát huy hiệu quả tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trong vụ vải thiều vừa qua, hiện Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng xây dựng các phương án tiêu thụ cam, bưởi để tham mưu với UBND huyện. Mục tiêu sẽ tiêu thụ hết sản lượng cây có múi, nâng giá trị sản phẩm này”.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)