Việt Yên: Ảm đạm kinh doanh nhà trọ
Nhiều phòng trọ bỏ trống
Ông Nguyễn Minh Chiến, tổ dân phố (TDP) My Điền 1, thị trấn Nếnh cho biết: "Gia đình có 2 tòa nhà 4 tầng với 84 phòng trọ khép kín. Lúc xây dựng xong thì dịch Covid-19 bùng phát, vãn dịch công nhân về quê nhiều, lượng khách thuê giảm hẳn. Hiện 60 phòng bỏ không”. Theo đại diện lãnh đạo TDP My Điền 1, hầu hết các hộ có nhà trọ cho thuê trên địa bàn đều còn phòng trống, hộ ít vài phòng, nhiều hàng chục phòng.
![]() |
Cả tòa nhà 4 tầng của gia đình anh Nguyễn Minh Chiến, TDP My Điền 1, thị trấn Nếnh chỉ vài phòng có công nhân thuê ở. |
Tương tự, TDP My Điền 2, My Điền 3 cũng có nhiều nhà trọ vắng khách. Dù các hộ đã giảm giá cho thuê, thậm chí đầu tư thêm điều hòa, bình nóng lạnh, quạt cho các phòng trọ nhưng vẫn vắng khách. Toàn thôn có 91/207 hộ có nhà cho thuê trọ với hơn 2.000 phòng thì nay chỉ khoảng 700 phòng có người trọ khiến nhiều chủ nhà sụt giảm nguồn thu.
Phòng trọ bị bỏ trống cũng là tình trạng chung ở các xã, thị trấn khác quanh các khu, cụm công nghiệp của huyện Việt Yên như: Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến, Hồng Thái… Tại địa bàn xã Quang Châu, số phòng bị trống ít hơn nhưng hầu như nhà trọ nào cũng có.
Theo lãnh đạo và người dân địa phương, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng đơn hàng ít nên phải cắt giảm công nhân. Thời điểm này, tại địa bàn thị trấn Nếnh và các xã lân cận, có nhiều công nhân trả phòng trọ về quê nghỉ Tết sớm. Số người thuê trọ giảm từng ngày, trong khi số phòng trọ ngày một tăng.
Thống kê sơ bộ của Công an huyện Việt Yên, dịp tháng 12/2021, toàn huyện có 54.429 phòng trọ, thì đến tháng 11 năm nay đã tăng lên 62.085 phòng. Các phòng trọ đầu tư xây dựng sau thường rộng đẹp, tiện ích hơn các nhà xây trước, giá cả cũng phải chăng, thậm chí nhiều hộ còn ký hợp đồng thẳng với doanh nghiệp và có nhiều chính sách ưu đãi nên công nhân thuê trọ đông hơn.
Các nhà trọ còn trống chủ yếu xây dựng từ nhiều năm trước, phòng nhỏ hẹp không có hệ thống vệ sinh khép kín, ít tiện nghi hoặc đường đi lối lại trong ngõ, ngách không thuận tiện, ở xa công ty, chủ nhà trọ chưa tâm lý... Một số nhà trọ, người thuê là công nhân thời vụ nên lượng khách không ổn định.
Chiều 25/11, có mặt tại nhà ông Ngô Văn Hùng ở tổ dân phố My Điền 1 thấy một số công nhân đang làm thủ tục trả phòng trọ để về quê. Anh Lầu Mí Gấu, quê ở Hà Giang, làm công nhân thời vụ cho Công ty TNHH MTV SJ Tech - KCN Vân Trung nói: “Phòng trọ ở đây mới xây đẹp, rộng, giá 700 nghìn đồng/tháng, sinh hoạt rất thoải mái. Giờ công ty không có việc, cho nghỉ Tết sớm nên tôi phải trả phòng".
Áp lực lãi suất tiền vay
Phần lớn các hộ có nhà trọ cho thuê khu vực xung quanh các KCN của huyện Việt Yên đều phải thế chấp “sổ đỏ” để vay tiền xây dựng phòng trọ nên khi lượng khách thuê giảm trong thời gian dài không tránh khỏi áp lực về lãi suất tiền vay.
Ông Nguyễn Minh Chiến bộc bạch: “Để xây dựng 84 phòng trọ, gia đình tôi phải vay ngân hàng 5 tỷ đồng. Nhà xây xong, mới thu vốn trả ngân hàng được một phần thì dịch Covid-19 bùng phát. Từ đó tới nay, lượng khách thuê phòng không đủ trả lãi hằng tháng, chúng tôi chưa biết xoay xở ra sao với khoản nợ còn lại!”.
![]() Lượng công nhân thuê phòng ở thời gian gần đây giảm mạnh, việc thu thuế nhà trọ theo đó gặp khó khăn. Hầu hết các hộ đều không tự nguyện khai báo, kê khai, nộp thuế".
Ông Vũ Văn Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Việt Yên - Hiệp Hòa. |
Anh X (nhân viên chi nhánh một ngân hàng có điểm giao dịch tại TP Bắc Giang) tiết lộ: “Từ năm 2019 đến nay, riêng tôi làm hồ sơ cho người dân xung quanh KCN Việt Yên (nhiều nhất là ở thị trấn Nếnh) vay khoảng 200 tỷ đồng, trong đó hộ vay để xây phòng trọ ít nhất vài trăm triệu, nhiều vài tỷ đồng. Hiện nhiều hộ trong số này vẫn chưa trả hết tiền gốc”.
Theo anh X, các hộ có sẵn tiền, chỉ vay thêm một phần để xây phòng trọ thì không đáng ngại. Nhưng số hộ phải vay số tiền lớn để xây nhà trọ mà tình trạng vắng khách thuê kéo dài thì nguy cơ vỡ nợ rất cao.
Trao đổi về nội dung này, ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng thôn Trung Đồng, xã Vân Trung cho biết, khoảng 90% số hộ tại thôn có nhà trọ cho thuê phải thế chấp “sổ đỏ” vay tiền ngân hàng xây nhà trọ. Hiện lượng khách thưa vắng, không lấp đầy các phòng, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng về kinh tế, đời sống.
Ông Vũ Văn Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Việt Yên- Hiệp Hòa thông tin: Ngày 31/8 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch thu thuế đối với hoạt động kinh doanh nhà trọ 4 tháng cuối năm 2022 cho 6 xã, thị trấn gồm: Nếnh, Bích Động, Quang Châu, Vân Trung, Hồng Thái, Tăng Tiến.
Theo quyết định, ở các xã, thị trấn trên có hơn 3.000 hộ có nhà trọ, 22.315 phòng cho thuê, trong đó có 1.220 hộ có doanh thu đến mức phải nộp tổng số thuế gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm này, khách thuê trọ giảm, thiếu ổn định, việc thu thuế nhà trọ theo đó cũng khó khăn. Hầu hết các chủ nhà trọ đều nêu lý do vắng khách, còn nợ ngân hàng nên không tự nguyện khai báo, kê khai, nộp thuế.
Mô hình đầu tư xây dựng nhà cho thuê đối với người dân ở xung quanh các khu, cụm công nghiệp của huyện Việt Yên không còn là kênh đầu tư an toàn, nhất là những đối tượng phải vay tiền để làm nhà. Vì thế, trước khi quyết định đổ tiền vào lĩnh vực này, mỗi người cần cân đối, tính toán kỹ lưỡng tiềm lực tài chính của mình, không nên đầu tư kinh doanh theo phong trào hay cảm tính để rồi lâm vào cảnh nợ nần hay vỡ nợ.
Bài, ảnh: Thùy Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)