Vẫn khó quản lý rượu thủ công
Cơ sở được cấp phép đạt thấp
![]() |
Cơ sở sản xuất rượu thủ công của hộ anh Giáp Văn Việt tại xã Việt Lập (Tân Yên) được cấp phép. |
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa.
Thực hiện quy định này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, Sở Công Thương hướng dẫn Phòng Kinh tế TP, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh rượu.
Tuy nhiên mới có hơn 300 cơ sở trong tổng số gần 4 nghìn cơ sở nấu rượu được cấp giấy phép. Đặc biệt, việc cấp phép sản xuất cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công-nguồn cung rượu chính vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, sản xuất rượu thủ công 3.948 cơ sở với tổng sản lượng 3.286.000 lít/năm, trong đó mới có 63 cơ sở được cấp giấy phép với sản lượng 1.840.000 lít/năm.
Ông Hà Văn Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết, liên quan đến hoạt động sản xuất rượu, tỉnh Bắc Giang đã phân cấp rõ cho cấp huyện quản lý về rượu thủ công còn rượu sản xuất công nghiệp do Sở Công Thương chịu trách nhiệm cấp phép. Tuy vậy, số cơ sở rượu thủ công có giấy phép chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với thực tế.
Tìm hiểu tại huyện Tân Yên được biết, toàn huyện có hơn 400 hộ sản xuất rượu thủ công; 150 hộ bán lẻ rượu. Đến nay, huyện mới cấp được 2 cơ sở nấu rượu thủ công gồm: Sản xuất rượu Giáp Tửu tại xã Phúc Hòa; rượu dừa, rượu nếp, rượu chuối hột, rượu trắng, rượu táo mèo, rượu sâm Nam, ba kích, đinh lăng, rượu sim tại xã Việt Lập (Tân Yên). Những cơ sở trên đều đáp ứng điều kiện, có hệ thống chưng cất, lọc khử thành phần độc hại, nhất là Aldehyd.
Tuyên truyền, ngăn chặn vi phạm
![]() |
Cơ sở sản xuất rượu thủ công của hộ anh Giáp Văn Việt tại xã Việt Lập (Tân Yên) được cấp phép.
|
Theo đại diện Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Tân Yên, nguyên nhân số cơ sở được cấp phép rất ít là do người dân nấu rượu, dù họ vẫn tiêu thụ ra thị trường nhưng khó áp là hoạt động sản xuất nhằm mục đích kinh doanh. Bởi lẽ, khi đến tuyên truyền, vận động các hộ làm thủ tục cấp phép thì đa phần chủ hộ “lách” bằng cách viện dẫn lý do rượu nấu phục vụ gia đình, không bán.
Bên cạnh đó, vẫn còn những cơ sở sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất không thường xuyên, nằm phân tán rải rác nên gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý. Một yếu tố nữa là người tiêu dùng sử dụng rượu vẫn giữ thói quen là chuộng rượu quê, tự nấu nên những sản phẩm không có tem, nhãn vẫn tiêu thụ khá chạy.
Tương tự, tại nhiều huyện, TP trong tỉnh, việc quản lý rượu thủ công cũng gặp tình trạng trên như: Lạng Giang, Lục Nam, Hiệp Hòa. Do công tác quản lý còn bất cập nên tại các quán nước, quán ăn, nhà hàng… còn kinh doanh nhiều sản phẩm rượu tự ngâm, rượu không tem nhãn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Mới đây, 5 người đã bị ngộ độc khi uống rượu tại một đám giỗ ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng Methanol trong mẫu rượu cao gấp hơn 207 lần ngưỡng cho phép; hàm lượng Aldehyd cao hơn 7 lần ngưỡng cho phép.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, sau khi vào cơ thể, Methanol được chuyển hóa thành axit formic, là chất độc hơn Methanol rất nhiều. Mức độ axit formic cao có thể gây suy đa tạng dẫn đến tử vong. Người bị ngộ độc Methanol thường có triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, nhìn không rõ, khó thở, co giật, hôn mê.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 300 giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu cho các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, sản xuất rượu thủ công 3.948 cơ sở với tổng sản lượng 3.286.000 lít/năm, trong đó mới có 63 cơ sở được cấp giấy phép với sản lượng 1.840.000 lít/năm; 292 cơ sở kinh doanh rượu có giấy phép. |
Với việc rất nhiều cơ sở vẫn chưa được quản lý, giám sát trong sản xuất, kinh doanh rượu khiến người tiêu dùng lo ngại, các vụ ngộ độc có thể tiếp diễn.
Để công tác quản lý rượu thủ công được chặt chẽ hơn, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, các điểm bán rượu tiêu dùng tại chỗ...), kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung của Nghị định 105/2017/NĐ-CP về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bán buôn và bán lẻ rượu cho phù hợp với thực tế.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)