Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp: Giảm chi phí, tăng hiệu quả
Tận dụng phế phẩm tạo sản phẩm mới
Bắt đầu chăn nuôi lợn quy mô lớn từ năm 2015, trước đây, ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX Kinh doanh Thao Thanh, thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) thường sử dụng phân lợn cho hầm khí biogas và ủ để bón cây ăn quả. Thời điểm đó với việc duy trì 1 nghìn lợn thịt trong chuồng, ông Thao phải đầu tư 3 hầm khí biogas với dung tích 150 m3 song vẫn không tận dụng hết lượng chất thải phát sinh hằng ngày, khu vực chăn nuôi vẫn có mùi hôi. Cuối năm 2019, ông Thao đầu tư 500 triệu đồng làm đệm lót sinh học tại khu vực nuôi lợn thịt, mua máy trộn phân.
![]() |
Toàn bộ cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Thao được chăm sóc bằng phân hữu cơ. |
Tại khu chuồng nuôi, phía dưới đệm lót sinh học, ông trải 50-60 cm phế phẩm từ trồng nấm, 20 cm trấu rồi rắc men vi sinh. Sau mỗi lứa xuất chuồng, ông thu gom đệm lót, một phần dùng nuôi cá, phần còn lại tiếp tục sử dụng men vi sinh ủ thêm 2-3 tháng rồi đưa vào máy nghiền, trộn với 7 thành phần khác (gồm: Bã nấm nghiền nhỏ, vôi bột, đạm, lân, sun phát, ka li và vi lượng) theo tỷ lệ để thành phân hữu cơ. Sản phẩm làm ra được dùng chăm sóc 1 nghìn gốc đào, 100 gốc bưởi và bán cho một số hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. “Sử dụng CNSH trong xử lý chất thải không chỉ giúp HTX giải “bài toán” môi trường mà còn tận dụng tối đa chất thải để nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn quả. Hiện gia đình không phải mua phân bón, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật khi chăm sóc cây đào, bưởi”, ông Nguyễn Văn Thao nói.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, CNSH đã và đang áp dụng trong một số lĩnh vực như: Sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng nấm, vi khuẩn đối kháng trong phòng trừ bệnh hại cây trồng, nấm xanh phòng trừ rầy nâu hại lúa; chế phẩm EM xử lý rơm rạ, chất hữu cơ, phân bón vi sinh; ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô trong nhân giống cây trồng, đệm lót sinh học trong xử lý thức ăn chăn nuôi... Nhờ đó góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. |
Việc ứng dụng CNSH trong xử lý chất thải chăn nuôi, trồng trọt để tạo ra những sản phẩm tái phục vụ quá trình sản xuất, hình thành kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tuy mới song đã được nông dân, các HTX trong tỉnh áp dụng và mang lại kết quả tốt. Để tận dụng phế phẩm từ trồng nấm rơm, anh Chu Văn Hiền, thôn Đồi Chính, xã Đại Hoá (Tân Yên) sử dụng vôi bột cùng một số nguyên liệu phối trộn thêm rồi cho vào hấp trong lò hơi, tạo thành nguyên liệu sản xuất nấm sò. Phế phẩm từ nấm sò lại tiếp tục được anh sử dụng ủ với men vi sinh tạo phân bón cho cây nhãn. Nhờ đó giảm đáng kể chi phí đầu tư, lợi nhuận từ trồng nấm cũng đạt gần 50% so với tổng doanh thu.
Hay như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Chu Điện, xã Chu Điện (Lục Nam) sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý phân dê. Theo đó phía dưới chuồng dê được trải một lớp trấu và sử dụng vôi bột, men vi sinh Balasa No 1 bổ sung vào chuồng, vừa hạn chế mùi hôi của phân, vừa tạo ra phân bón mới phục vụ sản xuất nông nghiệp của các thành viên. Trước đây, hằng ngày HTX phải bố trí lao động thu gom phân dê nhưng giờ đây lượng phân dê phát thải hằng ngày đều được xử lý ngay.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, CNSH đã và đang áp dụng trong một số lĩnh vực như: Sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng nấm, vi khuẩn đối kháng trong phòng trừ bệnh hại cây trồng, nấm xanh phòng trừ rầy nâu hại lúa; chế phẩm EM xử lý rơm rạ, chất hữu cơ, phân bón vi sinh; ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô trong nhân giống cây trồng, đệm lót sinh học trong xử lý thức ăn chăn nuôi... Nhờ đó góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích.
Mặc dù vậy, các mô hình nhìn chung quy mô còn nhỏ, phân tán, chủ yếu là kinh tế hộ; sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại cây trồng chưa được phổ biến rộng rãi do tác động chậm... Tại các mô hình đã triển khai, việc nhân rộng ra cộng đồng còn khó khăn. “Để lan toả giá trị, chúng tôi đã gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng kế hoạch liên kết với các hộ dân tại xã Xuân Hương và Dương Đức (cùng huyện Lạng Giang) đưa phân bón của HTX vào vụ lúa chiêm xuân tới. Đến kỳ thu hoạch chúng tôi sẽ mua thóc của các hộ liên kết cao hơn 10 giá so với thị trường, đồng thời gửi mẫu đi giám định chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Thao cho biết thêm.
![]() |
Lao động tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Chu Điện đóng bao phân dê đã qua xử lý để phục vụ trồng trọt. |
Khảo sát thực tế, đòi hỏi thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao. Nắm bắt xu thế này, các chủ thể cũng đang dần chuyển sang hướng sản xuất hữu cơ mà điểm nhấn là sử dụng CNSH để tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Để tạo “cú hích”, từ Đề án xây dựng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, đến nay toàn tỉnh xây dựng 6 mô hình được hỗ trợ ứng dụng CNSH, trong đó có 4 mô hình lĩnh vực trồng trọt, còn lại là chăn nuôi. Tương tự, trong nhiều nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chủ trì lồng ghép, áp dụng CNSH để tạo những giống mới năng suất, chất lượng cao cũng như trong xử lý môi trường.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để tạo ra phân bón, thức ăn chăn nuôi có chất lượng đang là hướng đi hiệu quả để hướng đến nền nông nghiệp xanh. Với trách nhiệm của ngành, chúng tôi sẽ theo sát, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các chủ thể trong việc áp dụng. Tuy nhiên để có chỗ đứng trên thị trường, các chủ thể cũng phải thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư kinh phí để tạo ra những sản phẩm chất lượng, khả năng cạnh tranh cao”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)